Xoa Dịu Cơn Bùng Nổ Cảm Xúc Tuổi Teen
Vietnam Parents World 20 tháng 05,2025Bước vào tuổi vị thành niên, cảm xúc của trẻ thường xuyên thay đổi và trở nên khó kiểm soát. Khi cơn bùng nổ cảm xúc xảy ra, bất kể giận dữ, than khóc hay im lặng kéo dài, con rất cần sự thấu hiểu, đồng cảm từ người thân để bình tâm đối mặt cũng như vượt qua giai đoạn “quá tải”.
Ở
trẻ lớn, cơn khủng hoảng cảm xúc có thể biểu hiện qua việc bật khóc, thở gấp hoặc đi lại giận dữ khi bị cảm xúc lấn át. Thường vì xấu hổ, các con ít bộc phát nơi công cộng mà sẽ “vỡ òa” khi về nhà, sau một ngày cố gắng kiềm chế.BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ KHI CON TUỔI TEEN BÙNG NỔ CẢM XÚC?
Khi trẻ đối mặt cơn bùng nổ cảm xúc, điều quan trọng nhất cha mẹ cần làm không phải kiểm soát mà là đồng hành. Lisa Damour, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sức khỏe tâm lý vị thành niên, đã gợi ý những lời khuyên hữu ích mà bố mẹ nên áp dụng giúp con xoa dịu cảm xúc.
Lắng nghe mà không ngắt lời
Trẻ lớn có thể tuôn ra mọi điều khiến chúng bức xúc với giọng điệu giận dữ. Ngay khoảnh khắc đó, bố mẹ không ngắt lời mà hãy để con trút hết. Bởi lẽ, việc được giãi bày cảm xúc đã là cách tự giải tỏa rất hiệu quả.
Thể hiện sự đồng cảm chân thành
Sau khi lắng nghe, cha mẹ có thể hỗ trợ cho trẻ bằng cách đơn giản là thể hiện sự đồng cảm chân thành. Những lời sẻ chia, như “chuyện đó thật tệ” hay “mẹ rất tiếc vì con gặp chuyện như vậy” giúp trẻ cảm thấy được an ủi và thấu hiểu.
Thừa nhận cảm xúc tiêu cực
Việc xác nhận cảm xúc là cách hỗ trợ hiệu quả, nhất là với thanh thiếu niên – người đôi khi tự hoài nghi chính cảm xúc bản thân vì thấy chúng quá dữ dội. Những câu nói – “cảm xúc ấy là điều hiển nhiên và mẹ hiểu vì sao con phản ứng như vậy” – đến từ phụ huynh gián tiếp mang lại sự an ủi lớn. Trái lại, lời khiển trách – “sao con phải buồn vì chuyện nhỏ vậy?” – chỉ khiến trẻ thêm mặc cảm. Trên thực tế, nỗ lực thay đổi góc nhìn không phải lúc nào cũng hữu ích.
Khuyến khích trẻ đối diện cảm xúc
Nếu ba bước đầu chưa đủ giúp trẻ trấn tĩnh, cha mẹ có thể hướng con đến những cách làm dịu cảm xúc. Một trong số đó là hít thở sâu, với 5 nhịp thở bụng – mỗi nhịp hít vào 5 giây, thở ra 5 giây, qua mũi và miệng. Bên cạnh đó, bạn chịu khó động viên rằng nếu kiên trì thực hiện kỹ thuật này, con sẽ trở nên bình tâm.
Trao cho con sự tin tưởng không phán xét
Phụ huynh đừng quên thể hiện sự tin tưởng bằng lời động viên nhẹ nhàng rằng “cảm xúc này rất dữ dội, nhưng nó sẽ sớm qua thôi” hoặc “dù chuyện ấy khó khăn, mẹ rất khâm phục cách con đang đối diện cũng như chia sẻ với mẹ”. Điều đó giúp trẻ cảm thấy vững lòng hơn.
Đề nghị hỗ trợ giải quyết vấn đề
Khi đã lắng nghe, đồng cảm và an ủi mà trẻ vẫn chưa bình tâm, bố mẹ có thể đề nghị: “Con có muốn mẹ giúp con tìm cách giải quyết không?”. Nếu đồng ý, trẻ thường sẵn lòng tiếp nhận những lời góp ý từ người lớn. Bằng ngược lại, con chỉ muốn được xả cảm xúc và việc lắng nghe là đủ.
Chia vấn đề thành hai nhóm
Khi trẻ sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ, bố mẹ có thể giúp con chia vấn đề thành hai nhóm: những điều có thể thay đổi và những điều không thể. Cách tiếp cận này giúp trẻ định hướng rõ ràng hơn.
Định hướng con tìm giải pháp đối với vấn đề có thể thay đổi
Với những vấn đề có thể thay đổi, phụ huynh cùng trẻ suy nghĩ hướng giải quyết khả thi. Việc này giúp con tập trung năng lượng vào những điều mình chủ động cải thiện được.
Với điều không thể thay đổi, bố mẹ động viên con chấp nhận
Bố mẹ giúp trẻ học cách chấp nhận những vấn đề chưa thể giải quyết bằng cách ví dụ hóa năng lượng như một nguồn tài nguyên hữu hạn. Bạn có thể nói: “Con chỉ có ngần ấy năng lượng thôi và hãy dành nó cho việc có thể làm, đừng lãng phí vào điều bản thân chưa kiểm soát được”.