Nên Hay Không Nên Theo Học Trường Chuyên?
My Hien 30 tháng 06,2025
Câu hỏi trên đây phản ánh rõ kỳ vọng, lo âu cùng áp lực vô hình đè nặng lên cả bố mẹ lẫn học sinh. Vào đầu mỗi mùa tuyển sinh lớp 10, chủ đề học “trường chuyên hay trường thường” càng trở thành tâm điểm trong các nhóm phụ huynh, diễn đàn học tập và thậm chí là bàn ăn gia đình.
T
rường chuyên từ lâu đã được xem là biểu tượng của hệ thống giáo dục tinh hoa, quy tụ học sinh xuất sắc nhất, đội ngũ giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng, chương trình đào tạo chuyên sâu cùng tỉ lệ vào đại học top đầu vượt trội. Tại các thành phố lớn, gồm Hà Nội và TP.HCM, những cái tên như THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Chuyên Lê Hồng Phong, Chuyên Trần Đại Nghĩa, hay Chuyên Nguyễn Huệ luôn thuộc tốp đầu đáng mơ ước.Không ít học sinh phải ôn luyện thi chuyên từ lớp 6, thậm chí lớp 4, với lịch học kín cả tuần. Phụ huynh sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các lớp học thêm, khóa luyện đề, gia sư riêng, với hy vọng con giành được một suất vào ngôi trường danh giá. Thế nhưng, ẩn khuất phía sau, học sinh phải đối mặt nỗi mệt mỏi kéo dài, căng thẳng tâm lý và không ít trường hợp mất định hướng sau khi thi trượt hoặc phải gồng mình theo kỳ vọng người lớn.

Ở chiều ngược lại, các trường “không chuyên”, vốn chiếm phần lớn trong hệ thống giáo dục công lập Việt Nam, lại thường bị nhìn nhận với tâm lý e ngại vì sợ thiếu môi trường cạnh tranh, con tụt dốc, thua kém bạn bè. Điều lo lắng đó khiến nhiều phụ huynh dù biết con không phù hợp với áp lực trường chuyên vẫn cố thúc ép hoặc tìm đường vòng qua hệ thống trường dân lập chất lượng cao.
Thực trạng này đang tạo nên một vòng luẩn quẩn về áp lực thành tích, làm xói mòn dần mục tiêu nhân văn của giáo dục phổ thông. Bản thân học sinh, dù đang sống giữa các thành phố hiện đại bậc nhất cả nước, lại ngày càng đánh mất niềm vui học tập, thay vào đó là nỗi lo âu, hoang mang và ám ảnh với áp lực thi cử, điểm số.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cho rằng, thay vì tiếp tục chạy theo sự phân tầng, ngành cần đầu tư đồng đều hơn vào các trường phổ thông đại trà, bảo đảm chất lượng dạy và học trên diện rộng. Đồng thời, phụ huynh cũng nên nhìn nhận lại định nghĩa về chất lượng học tập không chỉ đo bằng tên trường hay bảng điểm, mà bằng sự trưởng thành, hạnh phúc cùng năng lực tự chủ của con em mình.
Cuộc tranh luận “trường chuyên – trường thường”, vì thế, nên được chuyển hóa từ lựa chọn đúng sai thành một hành trình tìm ra điều phù hợp nhất cho mỗi học sinh. Vì có như thế, giáo dục mới thật sự đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển bền vững của cá nhân nói riêng và xã hội nói chung.