Hiểu Rõ Mình Là Bước Khởi Đầu Thành Công
Parents World Vietnam 29 tháng 05,2025Việc chọn ngành học và môi trường đại học không còn là canh bạc dựa trên cảm tính hay danh tiếng. Học sinh hoàn toàn có thể “thử” trước trải nghiệm đại học thông qua việc hiểu rõ bản thân, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt và phù hợp hơn cho tương lai. Cha mẹ có thể đồng hành hiệu quả bằng cách khơi gợi, định hướng và hỗ trợ con khám phá con đường phù hợp nhất với chính mình.
KHI VIỆC CHỌN TRƯỜNG KHÔNG CÒN LÀ CHUYỆN “CHẠY THEO DANH TIẾNG”
Ở
thời điểm bước ngoặt sau phổ thông, nhiều học sinh và phụ huynh đều rơi vào trạng thái hoang mang: chọn ngành gì, học ở đâu, trường nào tốt? Thực tế cho thấy, rất nhiều bạn trẻ chỉ nhìn vào tên trường, nộp hồ sơ theo phong trào, theo lời khuyên của người thân, hoặc vì ngành có tiềm năng thu nhập tốt. Nhưng đằng sau những lựa chọn tưởng như hợp lý ấy lại là sự thiếu kết nối giữa năng lực, hứng thú và trải nghiệm thực tế trong quá trình học.Là phụ huynh, chúng ta thường ưu tiên sự ổn định và an toàn cho con – điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất lúc này chính là giúp con nhận diện rõ năng lực bản thân và hình dung chân thực cuộc sống học tập: môi trường học có phù hợp không, dạng bài tập và cách tiếp cận kiến thức có khiến con hứng thú, cũng như con sẽ làm gì mỗi ngày khi trở thành sinh viên ở đó.
ĐIỀU GÌ KHIẾN CON HỨNG THÚ VÀ MỆT MỎI TRONG VIỆC HỌC?
Hướng tiếp cận hiệu quả nhất là bắt đầu từ việc quan sát bản thân. Hãy khuyến khích con nhìn lại các môn học, hoạt động ngoại khóa, hoặc khoảnh khắc học tập trong quá khứ khiến con cảm thấy “có động lực” và những lúc khiến con chán nản. Việc ghi lại những cảm xúc đó sẽ giúp con vẽ nên bức tranh chân thực về những gì phù hợp và không phù hợp với mình.
Nếu quan sát trong vài tuần, con sẽ nhận ra kiểu công việc hoặc cách học lặp đi lặp lại việc tạo ra cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực. Khi đó, hãy khuyên con cố gắng lý giải sâu hơn – đừng chỉ dừng ở cảm xúc bề mặt. Nếu con không thích làm việc nhóm, vậy điều gì cụ thể khiến nó mệt mỏi? Là vai trò không rõ ràng? Thiếu giao tiếp? Hay sự mất cân bằng trách nhiệm? Việc hỏi “tại sao” nhiều lần sẽ giúp con khám phá bản chất vấn đề.
XÁC ĐỊNH KỸ NĂNG CÁ NHÂN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Một phần quan trọng khác trong hành trình này là giúp con xác định những kỹ năng mà con đã phát triển. Kỹ năng khác với tính cách hay sở trường bẩm sinh, bởi nó là kết quả của quá trình rèn luyện. Nhiều học sinh thường không được khuyến khích đánh giá chính xác năng lực của mình sau 12 năm học, chỉ biết mình thích môn này, mê lĩnh vực kia mà chưa rõ điểm mạnh cụ thể như phân tích, tư duy logic hay thiết kế chiến lược.
Hãy khuyên con tự liệt kê từ 8 đến 12 kỹ năng con làm tốt để định hình rõ hơn khả năng hiện tại, từ đó suy nghĩ đến việc phát triển những kỹ năng nào tiếp theo. Công cụ như CliftonStrengths – bài đánh giá nhận diện thế mạnh cá nhân – có thể hỗ trợ quá trình này. Nó không chỉ giúp con hiểu những gì mình dễ làm tốt, mà còn chỉ ra những điều nên tránh đầu tư quá nhiều thời gian vì không phải ưu thế của con. Trên thực tế, thành công trong nghề nghiệp thường đến từ việc tập trung phát huy thế mạnh hơn là sửa chữa điểm yếu.
ĐỐI CHIẾU BẢN THÂN VỚI NGÀNH HỌC VÀ TRƯỜNG HỌC
Khi đã có trong tay danh sách điều mang lại động lực, kỹ năng đã phát triển và những kỹ năng muốn theo đuổi, bước tiếp theo là liên kết chúng với các ngành học cụ thể. Một ngành học có thể đem lại mức lương cao, nhưng nếu những hoạt động học tập và công việc tương lai không khớp với năng lượng và sở thích của con, thì việc học 4 năm sẽ là một hành trình đầy thử thách. Với mỗi lựa chọn là sự đánh đổi, được gì và mất gì – và liệu sự đánh đổi ấy có đáng không?
Ngoài ra, cha mẹ nên giúp con mở rộng tiêu chí ra ngoài việc học: đời sống sinh viên, các hoạt động ngoài lớp, không gian sống, khí hậu, quy mô lớp học, khả năng hòa nhập với cộng đồng, mức độ năng động và định hướng học thuật…. Tất cả đều là yếu tố ảnh hưởng đến việc con có thể “sống tốt” trong môi trường đó hay không.
Bạn cũng có thể cùng con tham khảo sơ đồ “bông hoa” trong cuốn Choosing College có thể giúp đánh giá trường trên bảy khía cạnh: mục tiêu, con người, địa điểm, quy mô, đời sống nội trú, chương trình học và hoạt động ngoại khóa. Hãy cho con tự nhận định xem yếu tố nào khiến con cảm thấy được tiếp thêm năng lượng hay bị hút cạn sức lực.
GIÚP CON “THỬ” NHIỀU LỰA CHỌN TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH
Khi con đã hiểu mình hơn, cha mẹ có thể hướng dẫn con xây dựng những “mô hình thử nghiệm” nhỏ – bằng cách tìm hiểu kỹ về một số ngành học con đang cân nhắc. Đó có thể là việc đọc kỹ đề cương môn học, trò chuyện với sinh viên năm trên, hoặc thậm chí đăng ký các lớp học thử nếu có thể. Qua đó, con sẽ thấy rõ hơn những gì đằng sau một cái tên ngành tưởng như quen thuộc.
Ở lứa tuổi 17–18, con đang dần trưởng thành và mong muốn tự đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai. Là cha mẹ, bạn không cần chỉ đường từng bước, nhưng sự đồng hành đúng cách – bằng những câu hỏi gợi mở, sự lắng nghe chân thành, và hỗ trợ thực tế – sẽ là hành trang quý giá để con tự tin chọn được cánh cửa phù hợp nhất.Một lựa chọn đúng không chỉ là điểm số, danh tiếng hay cơ hội nghề nghiệp, mà là cảm giác con được là chính mình, học với đam mê, và trưởng thành trong môi trường khiến con hạnh phúc. Và đó chính là món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể trao tặng con trên hành trình vào đời.