Lắng Nghe Thông Điệp Từ Trẻ 2 Tháng Tuổi
Parents World Vietnam 29 tháng 05,2025Bước vào tháng thứ hai, con bắt đầu biết thể hiện cảm xúc, nhận diện khuôn mặt thân quen và phản ứng với âm thanh. Bằng tình yêu vô bờ bến cùng sự theo dõi sát sao, bố mẹ sẽ trở thành bạn đồng hành tuyệt vời trong hành trình phát triển đầu đời của con.
B
é 2 tháng tuổi bắt đầu mở to đôi mắt tò mò, mỉm cười khi bắt gặp khuôn mặt quen thuộc đồng thời hứng thú tương tác cùng mọi thứ xung quanh. Ở giai đoạn này, trẻ rất thích giao tiếp cũng như kết nối với người khác.CON GỬI ĐẾN BỐ MẸ NHỮNG TÍN HIỆU CẢM XÚC ĐẦU ĐỜI
Tròn hai tháng, trẻ bắt đầu hình thành những cột mốc xã hội – cảm xúc đầu tiên, thể hiện qua khả năng tự làm dịu bản thân bằng cách mút tay, bắt đầu mỉm cười với người khác cũng như cố gắng nhìn theo bố mẹ. Đây là thời điểm quan trọng cho phép bố mẹ xây dựng mối liên kết cùng con. Phụ huynh được khuyến khích tăng cường tiếp xúc da kề da để giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ chịu, đồng thời nên ôm trẻ gần mặt, duy trì giao tiếp bằng mắt thường xuyên nhằm hỗ trợ quá trình nhận diện khuôn mặt bên cạnh phát triển tương tác sớm.

HỨNG THÚ VỚI NHỮNG CUỘC TRÒ CHUYỆN CÙNG BỐ MẸ
Trẻ hai tháng tuổi bắt đầu phản ứng với âm thanh bằng cách quay đầu về phía tiếng động và tạo ra những âm thanh ê a đầu tiên để thể hiện nhu cầu. Đây là thời điểm quan trọng để nuôi dưỡng khả năng giao tiếp. Phụ huynh nên duy trì những “cuộc trò chuyện” đơn giản cùng trẻ bằng giọng nhẹ nhàng, phản hồi lại mỗi khi trẻ ê a, vì sự tương tác hai chiều đóng vai trò nền tảng trong việc phát triển ngôn ngữ sau này.

TẬP TRUNG VÀ PHẢN ỨNG VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH
Não bộ của trẻ bắt đầu phát triển khả năng tập trung và phản ứng với môi trường xung quanh khi bước vào tháng thứ 2. Trẻ có thể quan sát và theo dõi người hoặc đồ vật bằng mắt, chú ý đến khuôn mặt quen thuộc đồng thời thể hiện sự khó chịu khi cảm thấy buồn chán. Bố mẹ nên nói tên những người hoặc vật mà trẻ quan tâm để kích thích phát triển nhận thức sớm.
KIỂM SOÁT CƠ THỂ TỐT HƠN
Bước vào giai đoạn 2 tháng tuổi, trẻ bắt đầu kiểm soát cơ thể tốt hơn với các chuyển động tay chân trở nên linh hoạt và trơn tru. Khi nằm sấp, trẻ có thể đẩy người lên đồng thời giữ đầu ổn định trong thời gian ngắn. Để hỗ trợ phát triển vận động, bố mẹ nên tích cực tham gia vào các buổi tummy-time bằng cách nằm đối diện, trò chuyện và dùng đồ chơi an toàn di chuyển xung quanh nhằm khuyến khích trẻ vận động đầu, tay, chân một cách tự nhiên.

TOÀN BỘ DINH DƯỠNG CÓ THỂ ĐÁP ỨNG HOÀN TOÀN BẰNG SỮA MẸ
Ở tháng thứ 2, toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ có thể được đáp ứng hoàn toàn qua sữa mẹ. Trẻ bú tốt, có khả năng ngậm vú hoặc bình, lưỡi di chuyển nhịp nhàng để nút và nuốt dễ dàng. Trong 24 giờ, trẻ thường xuất hiện dấu hiệu đói từ 8 đến 12 lần, phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng ở giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh thường tăng gấp đôi cân nặng lúc sinh trong vòng 6 tháng đầu đời, đôi khi còn sớm hơn.

CÁC DẤU HIỆU CẦN LƯU Ý Ở TRẺ 2 THÁNG TUỔI
Mỗi trẻ sơ sinh đều phát triển theo tốc độ riêng. Tuy nhiên, bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ nhi khoa nếu bé gặp các dấu hiệu bất thường, như không thể ngậm ti mẹ hoặc bình sữa đúng cách, để sữa chảy ra nhiều ở khóe miệng khi bú, không mỉm cười với người khác, không đưa tay lên miệng, không phản ứng với âm thanh lớn, không theo dõi chuyển động của người hoặc vật và không thể giữ đầu khi nằm sấp. Bởi lẽ, đây có thể là những chỉ báo sớm cho sự chậm phát triển cần được can thiệp kịp thời.