Chủ Động Nhận Biết Rối Loạn Phát Triển Ở Trẻ
Parents World Vietnam 29 tháng 05,2025Sự phát triển trong những năm đầu đời không chỉ là nền tảng cho tương lai mà còn là cơ hội vàng để phát hiện cũng như can thiệp sớm nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Trong lần cập nhật vào năm 2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phối hợp cùng Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã thông qua cột mốc phát triển của trẻ với nhiều điều chỉnh quan trọng mà bố mẹ cần lưu tâm.
T
ừ trước đến nay, các cột mốc phát triển được sử dụng như một công cụ giúp phụ huynh cùng chuyên gia theo dõi sự phát triển toàn diện của trẻ qua các giai đoạn: vận động, ngôn ngữ, xã hội – cảm xúc và nhận thức. Tuy nhiên, bộ mốc cũ chủ yếu dựa trên dữ liệu mà chỉ khoảng 50% trẻ đạt được kỹ năng ở độ tuổi xác định, khiến nhiều bậc bố mẹ khó phân biệt giữa phát triển bình thường và chậm phát triển. Bản cập nhật của CDC và AAP nâng tiêu chuẩn lên 75%, tức là đa số trẻ em sẽ đạt mốc ở độ tuổi tương ứng. Điều đó giúp việc nhận diện dấu hiệu bất thường trở nên rõ ràng, dễ đánh giá và chính xác hơn, tăng cường hỗ trợ việc can thiệp kịp thời nếu cần thiết.
Một trong những điểm đáng chú ý là việc bổ sung hai mốc tuổi quan trọng: 15 tháng và 30 tháng, nhằm thu hẹp khoảng cách theo dõi, tránh bỏ sót những biểu hiện quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp. Song song đó, danh sách cập nhật cũng mở rộng đồng thời nhấn mạnh hơn vào các hành vi xã hội – cảm xúc, chẳng hạn như việc trẻ biết cười để thu hút sự chú ý ở 4 tháng tuổi, biết vỗ tay khi phấn khích ở 15 tháng, hay bắt đầu chơi giả vờ ở độ tuổi lên 4. Đây là những biểu hiện thường bị xem nhẹ, nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong việc phát hiện sớm các rối loạn phát triển như tự kỷ hay chậm ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, một số mốc quen thuộc cũng được điều chỉnh phù hợp với thực tế phát triển của trẻ em hiện nay. Ví dụ, việc nói từ đơn – từng được kỳ vọng xảy ra ở 12 tháng – hiện có thể được ghi nhận ở mốc 15 tháng, giúp giảm áp lực không cần thiết cho bố mẹ bên cạnh hạn chế đánh giá sai lệch. Những điều chỉnh này không chỉ phản ánh sự tiến bộ trong nghiên cứu khoa học về trẻ em, mà còn thể hiện cách tiếp cận nhân văn và thực tế hơn trong việc đồng hành cùng trẻ phát triển.
Một trong những lý do cốt lõi khiến bản cập nhật nhận được nhiều sự quan tâm vì đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc phát hiện và can thiệp sớm. Theo hầu hết chuyên gia, nếu trẻ được phát hiện có dấu hiệu chậm phát triển kết hợp nhận hỗ trợ kịp thời trong giai đoạn từ 0 đến 5 tuổi, khả năng phục hồi cũng như hòa nhập sẽ cao hơn rất nhiều. Thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp trẻ sau khi tham gia các chương trình can thiệp sớm đã có những tiến bộ vượt bậc.

Để hỗ trợ phụ huynh trong việc theo dõi sự phát triển của con một cách thuận tiện, CDC cũng giới thiệu ứng dụng Milestone Tracker – một công cụ miễn phí giúp bố mẹ kiểm tra các mốc phát triển của trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Ứng dụng này tích hợp các danh sách kiểm tra, video minh họa cùng gợi ý hành động cụ thể nếu trẻ chưa đạt được kỹ năng tương ứng với lứa tuổi. Việc sử dụng công cụ công nghệ như Milestone Tracker giúp phụ huynh tiếp cận thông tin khoa học một cách trực quan, dễ hiểu, dễ áp dụng trong đời sống hằng ngày.

Không phải mọi trẻ đều phát triển theo cùng một nhịp độ, nhưng việc hiểu đúng các cột mốc đồng thời nhận biết sớm những dấu hiệu bất thường sẽ giúp bố mẹ chủ động bảo vệ hành trình phát triển của con ngay từ đầu. Cập nhật mới từ CDC cùng AAP là bước tiến trong việc đưa khoa học lại gần hơn với cộng đồng, để mỗi đứa trẻ đều có cơ hội phát triển trọn vẹn về thể chất, trí tuệ và cảm xúc.