Ai Là “Nạn Nhân” Thực Sự Của Thời Đại Số?
Parents World Vietnam 28 tháng 05,2025Thực tế tồn tại điều bất ngờ khi những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời đại số không phải trẻ em mà chính là bậc bố mẹ. Bị cuốn vào nỗi sợ con dần đánh mất khả năng giao tiếp, không phân biệt thật – giả, họ quên rằng chính mình ngày càng thiếu tỉnh táo trước vô vàn biến đổi gây ra bởi công nghệ.
V
ấn đề trên đây đã được phản ánh rõ ràng trong tập “Arkangel” thuộc mùa 4 của loạt phim khoa học viễn tưởng Black Mirror do Netflix sản xuất. Được đạo diễn bởi Jodie Foster và ra mắt vào ngày 29 tháng 12 năm 2017, câu chuyện xoay quanh một người mẹ lắp chip theo dõi vào con gái để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, khi quyền riêng tư và khả năng tự do trải nghiệm của đứa trẻ bị tước bỏ, hậu quả không dừng lại ở sự nổi loạn, mà còn khiến quan hệ mẹ con bị tổn thương nghiêm trọng.
Không chỉ là câu chuyện giả tưởng “Arkangel” trở thành phép ẩn dụ mạnh mẽ cho những gì đang diễn ra trong đời sống hiện nay. Câu hỏi đặt ra: “Liệu nỗi sợ mất kiểm soát có khiến bố mẹ đánh mất chính mình? Và sâu xa hơn, nó cảnh tỉnh rằng việc cố gắng bảo vệ con quá mức không giúp trẻ trưởng thành mà có thể kìm hãm sự phát triển cảm xúc cùng khả năng tự lập, trong khi chính bố mẹ lại bị “mắc kẹt” trong vai trò người bảo hộ mệt mỏi.

Phải chăng không phải trẻ em mà chính người lớn – “người đến sau” trong thế giới số – mới là những người thực sự đối mặt khó khăn khi phải “gồng mình” thích nghi? Sự phát triển và lan rộng của thiết bị giám sát trẻ em không chỉ là một xu hướng công nghệ, mà phản ánh tâm lý xã hội sâu xa: nỗi sợ hãi cùng nhu cầu được trấn an của bố mẹ. Ngày nay, không hiếm bố mẹ sử dụng các dịch vụ theo dõi 24/7 hay nhờ chuyên gia can thiệp vào tổ chức gia đình. Tuy nhiên, trong khi bỏ ra một khoản chi không nhỏ cho thiết bị hay con người trung gian, cái giá lớn nhất lại chính là quyền tự chủ được tôn trọng của trẻ em.

Tuy nhiên, việc để trẻ sống trong lớp vỏ của sự an toàn tối đa không chắc mang lại lợi ích thực sự. Khi bị theo dõi quá mức, chúng có thể bị cô lập khỏi bạn bè, đánh mất cảm giác tin tưởng và tự do. Nghiêm trọng hơn, đối với một số trẻ, điều đó dẫn tới hành vi tự gây hại như một phương thức chống lại việc bị kiểm soát đầy ngột ngạt.
Trong khi trẻ em đang dần hình thành khả năng thích nghi với thế giới mới, người lớn lại càng trở nên lúng túng, thiếu linh hoạt đồng thời bị cuốn vào vòng xoáy kiểm soát. Mong muốn bảo vệ vô hạn, đào thải rủi ro và lo lắng thường trực biến bố mẹ thành kẻ “xâm nhập” không được chào đón vào thế giới số của con bằng cách kiểm tra màn hình, nghe lén cuộc trò chuyện. Hành động đó vô tình đặt ra “hình mẫu bố mẹ chuẩn mực” mới, nhưng làm nhạt dần mối quan hệ thân mật cũng như tôn trọng trong gia đình. Trẻ lớn lên trong sự theo dõi có thể trở nên dè dặt, mất khả năng tự nhận diện ranh giới giám sát và tin tưởng.

Trên tất cả, vấn đề không nằm ở công nghệ mà nằm ở cách người lớn đang đối phó với nó. Chúng ta, những người không lớn lên trong thế giới số, chính là những người chưa thể học cách tin tưởng và cách thích nghi kịp thời trong kỷ nguyên mới.