Sát Cánh Bên Con Trong Thế Giới Số
Parents World Vietnam 28 tháng 05,2025Giữa thế giới công nghệ không ngừng biến đổi, việc định hướng cho trẻ chuỗi thói quen số tích cực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu được định hướng đúng cách, thiết bị số có thể trở thành cầu nối gắn kết bố mẹ và con cái trong những khoảnh khắc sống thường nhật, khi cùng khám phá, học hỏi.
N
uôi dạy con trong thời đại số không phải là điều dễ dàng. Việc bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ cũng như tìm ra cách cân bằng giữa rủi ro và cơ hội mà công nghệ mang lại có thể là một thách thức lớn. Câu hỏi đặt ra làm thế nào để trẻ khám phá thế giới số hiệu quả, an toàn?
TRÒ CHUYỆN THƯỜNG XUYÊN VỀ VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ TRONG CUỘC SỐNG
Giao tiếp cởi mở và thường xuyên về vai trò của công nghệ trong đời sống gia đình là nền tảng để xây dựng mối quan hệ tin tưởng giữa bố mẹ cùng con cái trong thời đại số. Thế nên, phụ huynh rất cần chủ động hỏi về thiết bị trẻ sử dụng tương tự cách quan tâm đến bất kỳ hoạt động nào khác: trẻ thích gì, không thích gì, dùng bao lâu mỗi ngày, điều gì khiến trẻ cảm thấy hứng thú hoặc khó chịu. Song song đó, bố mẹ đừng ngại trò chuyện thẳng thắn về những rủi ro tiềm ẩn, từ nội dung không phù hợp đến việc công nghệ có thể làm gián đoạn các hoạt động khác.
Phụ huynh nên nhấn mạnh rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe nếu con gặp vấn đề trong quá trình khám phá công nghệ số. Một lời nhắn nhủ, như “Nếu thấy bối rối hay không thoải mái vì điều gì đó trên mạng, con hãy chia sẻ, để bố/mẹ cùng tìm cách giải quyết nhé!”, có thể tạo ra cho trẻ sự an tâm.

Ngoài ra, phản ứng ban đầu của người lớn cũng rất quan trọng. Khi con chia sẻ điều gì đó bất ngờ hoặc đáng lo, thay vì vội vàng trách mắng hay tịch thu thiết bị, bạn đừng quên nhẹ nhàng nhất có thể. Cách phản hồi tinh tế đó khuyến khích trẻ tiếp tục tin tưởng cũng như sẵn sàng chia sẻ trong tương lai. Cuối cùng, chúng ta đừng vội đổ lỗi cho công nghệ. Đôi khi, việc trẻ dành quá nhiều thời gian online có thể phản ánh những lo lắng sâu xa hơn về bản thân, bạn bè hay học tập.
THIẾT LẬP RANH GIỚI PHÙ HỢP VỚI GIA ĐÌNH
Việc thiết lập ranh giới rõ ràng, hợp lý là bước quan trọng giúp trẻ sử dụng công nghệ một cách lành mạnh và có trách nhiệm. Trong gia đình, phụ huynh có thể xây dựng “quy tắc đồng ý” – điều nên làm, chẳng hạn như hành xử văn minh trên mạng, tôn trọng người khác đồng thời duy trì thói quen sử dụng thiết bị hợp lý. Song song, phụ huynh cần đặt ra “quy tắc không đồng ý” – điều tuyệt đối tránh như bắt nạt, chia sẻ thông tin cá nhân, hoặc truy cập nội dung không phù hợp.

Bố mẹ cần nhấn mạnh rằng mắc lỗi là một phần của quá trình học hỏi, và bạn luôn khuyến khích sự trung thực thay vì trừng phạt. Bên cạnh đó, việc tạo ra các “vùng không công nghệ” – như bữa ăn, phòng ngủ buổi tối – giữ vai trò giải pháp thiết thực giúp trẻ cân bằng cuộc sống và giấc ngủ. Ngoài ra, phụ huynh nên kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận đảm bảo phù hợp với độ tuổi cùng sự phát triển. Việc yêu cầu trẻ xin phép trước khi tải ứng dụng hoặc dùng nền tảng mới cũng là cách hiệu quả cho phép duy trì sự đồng hành.

QUẢN LÝ KHOA HỌC CÁCH CON SỬ DỤNG THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ
Bố mẹ cần chủ động đồng hành, quan sát cách trẻ sử dụng thiết bị công nghệ trong cuộc sống hằng ngày. Theo đó, phụ huynh có thể cùng trẻ khám phá công nghệ, từ xem chương trình yêu thích, đến lắng nghe trẻ chia sẻ về các ứng dụng hoặc nội dung chúng quan tâm. Với trẻ lớn hơn, bạn hãy tạo không gian để con chủ động giới thiệu thế giới số của mình thay vì áp đặt. Trong một số giai đoạn, đặc biệt khi trẻ mới bắt đầu sử dụng thiết bị như điện thoại, việc giám sát là cần thiết. Khi trẻ dần lớn và chín chắn hơn, phụ huynh linh hoạt nới lỏng mức độ giám sát, nhưng vẫn luôn giữ sự kết nối và nhận biết kịp thời tình hình chung về hoạt động của trẻ trong môi trường số.

LÀM GƯƠNG CHO CON BẰNG NHỮNG THÓI QUEN LÀNH MẠNH
Phụ huynh chính là tấm gương đầu tiên cho con trong việc xây dựng thói quen sử dụng công nghệ lành mạnh. Việc cùng con thiết lập các ranh giới, thói quen tích cực không chỉ giúp tránh sự đối đầu mà còn tạo ra mối quan hệ đồng hành. Bố mẹ hãy biến việc dùng thiết bị thành trải nghiệm vui vẻ và gắn kết, như cùng con chơi game, sử dụng ứng dụng giáo dục, hoặc tìm kiếm video về nấu ăn, âm nhạc, thể thao – những hoạt động vừa mang tính giải trí vừa khơi gợi niềm đam mê. Khi người lớn chủ động tham gia cũng như thể hiện sự hứng thú, trẻ sẽ học được cách sử dụng công nghệ một cách cân bằng, tích cực hơn.
