Cùng Con Trưởng Thành Trong Kỷ Nguyên AI
Parents World Vietnam 27 tháng 05,2025Chuyển động theo bước tiến thời đại số, hầu hết bố mẹ chủ động mở lối cho thế hệ Alpha tiếp cận trí tuệ nhân tạo, công cụ đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, công việc và học tập. Lựa chọn giáo dục mang tính chiến lược dài hạn này hướng đến việc trang bị cho trẻ kỹ năng sử dụng AI sáng tạo, có trách nhiệm, phù hợp thực tế phát triển công nghệ tương lai.
V
iệc dạy con sử dụng trí tuệ nhân tạo – AI – không đơn thuần là trang bị kỹ năng công nghệ, mà còn thúc đẩy trẻ phát triển tư duy, rèn luyện trách nhiệm, nâng cao năng lực sáng tạo và xây dựng kết nối gia đình trong thời đại số. Khi công nghệ trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống, trẻ dùng AI đúng cách sẽ thích nghi tốt hơn cũng như chủ động dẫn dắt sự thay đổi với nền tảng vững chắc về đạo đức, tư duy bên cạnh khả năng ứng dụng.CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI CÔNG NGHỆ VƯỢT BẬC
Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là mô hình sinh ngữ – ChatGPT – hay công cụ tạo hình ảnh – DALL·E – đang nhanh chóng len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ sáng tạo nội dung, nghiên cứu khoa học đến quản lý doanh nghiệp và giáo dục. Trẻ em thế hệ Alpha sẽ lớn lên trong một môi trường mà AI giữ vai trò công cụ phụ trợ kiêm bạn đồng hành trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, việc hiểu đồng thời làm chủ AI được xem là một kỹ năng sống thiết yếu trong thế kỷ 21.
Khác thế hệ trước vốn được định hướng học lập trình hoặc kỹ năng kỹ thuật thuần túy, nhiều phụ huynh hiện nay nhận thấy rằng việc dạy con cách đặt câu hỏi đúng, sử dụng AI một cách sáng tạo, và hiểu rõ giới hạn của công cụ này là nhiệm vụ quan trọng. Nói cách khác, trẻ em không nhất thiết phải trở thành chuyên gia AI, nhưng cần biết cách “cộng tác” với AI để tối ưu hóa khả năng tư duy, học tập, giải quyết vấn đề.
PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG TƯ DUY VÀ SÁNG TẠO
Việc tiếp cận AI từ sớm giúp trẻ em phát triển tư duy phản biện, sáng tạo cũng như khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường mở. Nhiều bậc bố mẹ thường hướng dẫn con khám phá AI thông qua các hoạt động gần gũi, vui nhộn như tạo truyện cổ tích bằng chatbot, vẽ tranh thông qua công cụ AI, viết lời bài hát theo phong cách hài hước hoặc tìm ý tưởng du lịch. Những trải nghiệm này không chỉ kích thích trí tưởng tượng mà còn giúp trẻ luyện tập diễn đạt ngôn ngữ, đặt câu hỏi hiệu quả đồng thời đánh giá thông tin một cách có chọn lọc. Từ góc độ giáo dục, AI đang đóng vai trò như “bạn học thông minh”, hỗ trợ trẻ trong việc tạo flashcard ôn tập, tra cứu thông tin, viết bài luận hoặc chuẩn bị cho các buổi thuyết trình. Thay vì thay thế suy nghĩ, AI được sử dụng như công cụ gợi mở, giúp trẻ đào sâu tư duy song song mở rộng khả năng tiếp cận kiến thức.
TRÒ CHUYỆN, KẾT NỐI GIA ĐÌNH QUA CÔNG NGHỆ
Đáng chú ý, nhiều phụ huynh còn xem việc cùng con sử dụng AI như một hình thức kết nối thế hệ trong gia đình. Thay vì để công nghệ tạo ra khoảng cách, họ chủ động biến nó thành cầu nối – cùng con khám phá thế giới số, chia sẻ quan điểm đồng thời thảo luận về những khía cạnh đạo đức, xã hội và cảm xúc liên quan đến AI.
Thông qua những buổi chơi cùng chatbot hoặc sáng tạo nội dung bằng AI, các gia đình có cơ hội xây dựng nền tảng giao tiếp tích cực, mở rộng vốn hiểu biết về cả công nghệ lẫn cảm xúc. Với một số phụ huynh, AI còn được dùng như “bên thứ ba trung gian” để giúp giải tỏa những cảm xúc khó nói giữa cha mẹ cùng con cái, từ đó mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn về cảm xúc, giới hạn cá nhân hoặc niềm tin trong gia đình.
RÈN LUYỆN TRÁCH NHIỆM VÀ Ý THỨC SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ
Song song lợi ích, phụ huynh cũng đặt trọng tâm vào việc hướng dẫn trẻ sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Họ không chỉ dạy cách sử dụng công cụ, mà còn giúp trẻ hiểu về chuỗi rủi ro tiềm ẩn như thông tin sai lệch, lạm dụng chatbot trong học tập, hoặc sự ảnh hưởng tiêu cực từ các “AI đồng hành” có thể gây nhầm lẫn về danh tính và ranh giới con người.
Một số gia đình đặt ra quy tắc rõ ràng: trẻ chỉ được dùng chatbot trên thiết bị của cha mẹ, trong thời gian giới hạn và luôn có sự giám sát. Mục tiêu không phải kiểm soát tuyệt đối, mà là tạo ra môi trường sử dụng có định hướng, giúp trẻ xây dựng thói quen suy nghĩ độc lập thay vì ỷ lại vào câu trả lời sẵn có.
Thực tế cho thấy, khi trẻ không được hướng dẫn đúng cách, việc sử dụng AI để hoàn thành bài tập dễ dẫn đến sự “lười tư duy”, thiếu kỹ năng viết cũng như mất khả năng tự học. Do đó, vai trò của phụ huynh không chỉ là “mở cửa” cho AI bước vào cuộc sống của trẻ, mà còn giúp con đảm bảo rằng công nghệ không làm mờ ranh giới giữa tiện ích và lệ thuộc.
TẠO NỀN TẢNG CẠNH TRANH TRONG THẾ GIỚI VIỆC LÀM TƯƠNG LAI
Cuối cùng, việc làm quen với AI từ sớm còn được các bậc cha mẹ xem là giải pháp ưu việt nhằm chuẩn bị lợi thế cạnh tranh cho con trong thị trường lao động tương lai. Khi trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến trong công việc, khả năng cộng tác hiệu quả với AI sẽ trở thành một kỹ năng giá trị không kém gì ngoại ngữ hay tư duy số. Nếu tiếp cận AI đúng cách, thế hệ Alpha hẳn có thể đi xa hơn vai trò người sử dụng để trở thành những người sáng tạo, kiểm định và thậm chí định hình tương lai của công nghệ.