Từ Bài Học Đến Tương Lai Nghề Nghiệp
Vietnam Parents World 26 tháng 05,2025Học tập tích hợp thực hành đóng vai trò cầu nối thiết yếu giữa lý thuyết với thực tiễn, giúp sinh viên không chỉ học để hiểu, mà còn học để làm. Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh và liên tục biến động, chiến lược giáo dục quan trọng này cho phép nâng cao năng lực nghề nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường cùng môi trường làm việc tương lai.
N
hững sinh viên cảm thấy mình thuộc về một ngành nghề cụ thể thường có động lực học tập cao và trải nghiệm học tập tích cực hơn. Thông qua chương trình “work-integrated learning” (WIL), sinh viên được tiếp cận sớm môi trường làm việc tương lai đồng thời có trải nghiệm thực tế đầu tiên trong lĩnh vực chuyên môn. Đối với các trường đại học, WIL đóng vai trò phương thức hiệu quả để nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên và đào tạo đội ngũ cử nhân sẵn sàng gia nhập thị trường lao động. Dù là thực tập lâm sàng, dự án doanh nghiệp, học phần thực địa hay kiến tập, điều cốt lõi là WIL phải mang đến trải nghiệm chân thực, có giá trị đồng thời phù hợp với sinh viên. Hơn thế, giảng viên cần hợp tác cùng doanh nghiệp để sinh viên tham gia tạo ra sản phẩm thực tế, đồng thời giải thích rõ vì sao WIL là bước chuẩn bị tốt nhất cho sự nghiệp và tương lai của người học.
TẠO CẢM GIÁC GẮN BÓ THÔNG QUA SẢN PHẨM HỌC TẬP THỰC TẾ
Để tạo cảm giác gắn bó cho sinh viên trong quá trình học tập tích hợp thực hành (WIL), giảng viên nên khuyến khích các em tạo ra sản phẩm cụ thể, chân thực – tương tự những gì họ sẽ thực hiện tại môi trường làm việc sau này. Việc nhìn thấy kiến thức được chuyển hóa thành sản phẩm hữu hình giúp sinh viên nhận ra giá trị thực tế của việc học. Hiện nay, nhiều công cụ công nghệ số, như nền tảng low-code, phần mềm thiết kế hoặc AI, kết hợp tài liệu chuyên ngành, có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình giảng dạy tiên tiến. Trên thực tế, khi doanh nghiệp đối tác tích hợp sản phẩm của sinh viên vào quy trình làm việc, điều đó không chỉ tạo sự tự hào mà còn tăng kết nối cảm xúc với ngành nghề.

TRUYỀN ĐẠT GIÁ TRỊ HỌC TẬP BẰNG TRUYỀN MIỆNG
Hướng đến nâng cao hơn nữa nhận thức rõ giá trị của học tập tích hợp thực hành (WIL), giảng viên nên tận dụng hiệu ứng truyền miệng – một hình thức lan tỏa thông điệp hiệu quả hơn nhiều so với tuyên bố trực tiếp từ nhà trường. Trường có thể mời các cựu sinh viên thành công quay trở lại lớp học chia sẻ bí quyết ứng dụng kiến thức, kỹ năng WIL vào công việc thực tế. Đây sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho sinh viên hiện tại. Bên cạnh đó, giảng viên nhất thiết cần phối hợp các đối tác doanh nghiệp để giúp sinh viên hiểu rõ kỳ vọng nghề nghiệp và cách đáp ứng yêu cầu công việc. Các chuyên gia trong suốt học kỳ có thể đưa ra phản hồi thực tế về chất lượng, tốc độ thực hiện nhiệm vụ của sinh viên. Cuối cùng, người phụ trách giảng dạy nên tóm tắt những thông điệp giá trị này qua video ngắn hoặc slide trực quan để đảm bảo sinh viên ghi nhớ và thấm nhuần.

TẠO VÒNG TUẦN HOÀN GIỮA DỮ KIỆN VÀ PHẢN BIỆN
Lý thuyết giáo dục về siêu nhận thức (metacognition) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản biện trong quá trình học tập nhằm hình thành năng lực học suốt đời. Với vai trò người hướng dẫn, giảng viên nên thường xuyên yêu cầu sinh viên suy ngẫm về cách các em đã lên kế hoạch, triển khai và đánh giá quá trình học. Những kỹ thuật phản biện như nói thành lời suy nghĩ, viết nhật ký số hay bài luận có thể được ứng dụng linh hoạt giúp sinh viên nâng cao nhận thức học tập cùng khả năng tự điều chỉnh trong dự án WIL. Tuy nhiên, để làm rõ giá trị thực sự của WIL, việc phản biện cần được củng cố bằng dữ kiện khách quan. Những con số cụ thể như mức lương trung bình, nhu cầu tuyển dụng theo ngành hay lợi ích tài chính bổ sung có sức thuyết phục lớn với sinh viên. Khi kết hợp hợp lý giữa phản biện cá nhân cùng lập luận lý trí dựa trên dữ liệu thực tế, sinh viên ắt thấy rõ WIL là một trải nghiệm giá trị và thiết thực cho sự nghiệp tương lai.

SINH VIÊN VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI TIẾP CẬN WIL THẾ NÀO?
Trải nghiệm học tập tích hợp thực hành hiện vẫn chưa phổ biến rộng rãi tại phần lớn các trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, mô hình đang dần nhận được sự quan tâm và từng bước triển khai trong hệ thống giáo dục đại học. Một số trường đại học quốc tế, tư thục hoặc có chương trình liên kết nước ngoài như RMIT Việt Nam, VinUni, Đại học FPT hay Swinburne Việt Nam đã tiên phong tích hợp WIL vào chương trình đào tạo, thông qua các hình thức như thực tập có hướng dẫn, dự án doanh nghiệp, mô phỏng môi trường làm việc thực tế hoặc các học phần hợp tác với doanh nghiệp cùng tổ chức phi lợi nhuận.

Trong khi đó, các trường công lập lớn như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia TP.HCM hay Đại học Bách Khoa cũng bắt đầu thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp, nhưng vẫn còn đối mặt nhiều thách thức liên quan đến cơ chế vận hành, nguồn lực triển khai bên cạnh mức độ gắn kết thực chất giữa nhà trường và đơn vị sử dụng lao động.