Hiệu Quả Công Việc Trong Thai Kỳ Khỏe Mạnh
Vietnam Parents World 20 tháng 05,2025Đón nhận tin vui làm mẹ mở ra trải nghiệm đong đầy bao cảm xúc, đòi hỏi phụ nữ vừa chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi, vừa duy trì hiệu quả công việc. Để cân bằng giữa các nhiệm vụ trong giai đoạn đặc biệt này, mẹ bầu nhất thiết phải linh hoạt sắp xếp, phân bổ thời gian thông minh đồng thời chủ động đề nghị sự hỗ trợ từ cấp quản lý hoặc đồng nghiệp khi cần.
V
iệc cân bằng giữa công việc công sở và chăm sóc sức khỏe thai kỳ trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều phụ nữ mang thai. Để duy trì hiệu quả công việc mà vẫn đảm bảo an toàn cho hai mẹ con, thai phụ cần lắng nghe cơ thể, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, chủ động trao đổi với quản lý về nhu cầu điều chỉnh công việc nếu cần thiết. Thêm vào đó, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động nhẹ nhàng và hỗ trợ từ môi trường làm việc đóng vai trò rất quan trọng.
CHỦ ĐỘNG GIAO TIẾP VỚI QUẢN LÝ
Theo quy định pháp luật, bạn không bắt buộc phải thông báo việc mang thai trước tuần thứ bao nhiêu, nhưng việc chủ động thông báo sớm là cần thiết để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe trong quá trình làm việc. Trước cuộc trao đổi cùng cấp quản lý, mẹ bầu nên xem lại hợp đồng lao động, chính sách thai sản của doanh nghiệp, kết hợp tham khảo thông tin mới nhất trên trang web chính phủ để hiểu rõ quyền lợi hợp pháp như chế độ nghỉ thai sản, ngày làm việc giữ liên lạc, chế độ nghỉ của chồng… Khi đã quyết định ngày nghỉ thai sản, bạn hãy thông báo cho quản lý để có mốc thời gian rõ ràng giúp dễ dàng sắp xếp công việc và bàn giao. Nếu chưa xác định ngày trở lại, công ty sẽ mặc định bạn nghỉ theo quy định.

CUNG CẤP GIẤY TỜ Y TẾ DO BỆNH VIỆN/PHÒNG KHÁM SẢN KHOA CẤP
Đây là giấy xác nhận bạn đang mang thai được cơ quan y tế cấp sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Thai phụ cần cung mọi giấy tờ cần thiết cho công ty để được hưởng chế độ trợ cấp thai sản theo quy định.
ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI TRONG CÔNG VIỆC
Việc mang thai hoặc chuẩn bị nghỉ thai sản không đồng nghĩa với việc mẹ bầu phải từ bỏ cơ hội nghề nghiệp. Bạn vẫn có thể và nên được tham gia vào các hoạt động như đánh giá hiệu suất công việc, xét tăng lương hay thăng chức như bình thường.
Nếu công ty tổ chức đánh giá hiệu suất trong thời gian chuẩn bị nghỉ, thai phụ hãy đảm bảo rằng kết quả đánh giá không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến thai kỳ. Việc tăng lương không được phép bị trì hoãn hoặc bỏ qua chỉ vì bạn đang mang thai hoặc nghỉ thai sản. Nhà tuyển dụng cũng có trách nhiệm thông báo về các cơ hội công việc, thay đổi tổ chức hoặc tái cấu trúc có thể ảnh hưởng đến vị trí mẹ bầu đang đảm trách trong thời gian nghỉ.

QUẢN LÝ CẢM XÚC KHI MANG THAI VÀ LÀM VIỆC
Mang thai không chỉ mang đến những thay đổi về thể chất mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc. Mẹ bầu có thể dễ xúc động, mệt mỏi và đôi khi khó cân bằng công việc. Khi đó, bạn nên cởi mở trò chuyện với quản lý nếu công việc trở nên quá sức, và đừng ngại tìm cách làm việc hiệu quả hơn như sử dụng sổ tay ghi chú, gửi email xác nhận các cuộc trao đổi quan trọng, hoặc nhờ hỗ trợ khi cần thiết.
CHÚ TRỌNG CHĂM SÓC BẢN THÂN TRONG GIAI ĐOẠN MANG THAI
Thay vì tự ép bản thân phải làm thêm giờ hoặc cố gắng gượng, thai phụ cần chú ý lắng nghe cơ thể và cảm xúc của mình. Nếu quá mệt mỏi, bạn hãy nghỉ ngơi, ưu tiên phục hồi năng lượng. Bởi lẽ, mức độ căng thẳng cao kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cả mẹ lẫn thai nhi.
Đừng so sánh thai kỳ của mình với người khác! Mỗi người sẽ có nhu cầu khám thai, xét nghiệm hay nghỉ ngơi khác nhau. Việc được chỉ định đi khám nhiều hơn không có nghĩa là bạn yếu hơn, mà là để đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ lẫn bé. Nếu cảm thấy lo âu, trầm buồn kéo dài trong vài tuần hoặc thấy bản thân không còn là chính mình, mẹ bầu hãy trò chuyện với bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Trầm cảm, lo âu trong thai kỳ là hiện tượng khá phổ biến và hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả. Ngoài ra, thai phụ nhất thiết ghi nhớ các yếu tố cơ bản như ăn uống lành mạnh, vận động nhẹ nhàng và ngủ đủ giấc, nhằm hướng tới một thai kỳ khỏe mạnh.

LẬP KẾ HOẠCH BÀN GIAO CÔNG VIỆC CHỈNH CHU
Một kế hoạch bàn giao kỹ lưỡng sẽ giúp mẹ bầu yên tâm rời công việc mà không lo bị gián đoạn hoặc gây áp lực cho đồng nghiệp. Danh sách chuẩn bị trước nên bao gồm lịch trình công việc, sự kiện định kỳ, liên hệ nội bộ, mật khẩu truy cập tài nguyên số, các dự án đang thực hiện, nguồn lực cần thiết và người có thể thay thế. Trong tam cá nguyệt thứ ba, nếu công việc yêu cầu xử lý tức thời như tổ chức sự kiện hoặc đào tạo, mẹ bầu hãy xác định người có thể thay thế trong trường hợp phải nghỉ gấp. Cuối cùng, bạn đừng quên trao đổi, thống nhất nội dung thư trả lời tự động ngoài văn phòng với quản lý và kích hoạt vào ngày làm việc cuối cùng.