Yêu Con Dù Con Khác Biệt
Tường Vân 19 tháng 05,2025Bản năng làm cha mẹ sẽ được thử thách khi bạn biết con mình có một dạng khuyết tật. Nhưng theo Giáo sư Maureen Samms-Vaughan, chính tình yêu thương, sự kiên nhẫn và cách tương tác phù hợp sẽ giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng vốn có – dù khác biệt.
ĐẶT YÊU THƯƠNG LÊN TRÊN MỌI NHÃN DÁN
K
hi biết con mình có khuyết tật, cảm giác choáng váng, lo lắng hay thậm chí bất lực là hoàn toàn bình thường. Nhưng đó không phải là hồi kết. Theo Giáo sư Maureen Samms-Vaughan – chuyên gia đầu ngành về phát triển trẻ em, điều quan trọng nhất là nhìn vào khả năng của trẻ, thay vì tập trung vào giới hạn của trẻ. Bởi mỗi đứa trẻ, dù có khuyết tật hay không, đều sở hữu điểm mạnh riêng: có thể là nét vẽ ngộ nghĩnh, một nụ cười ấm áp, hay khả năng vận động khéo léo. Chính những điểm mạnh ấy là chiếc cầu nối để cha mẹ hỗ trợ con vượt qua những thách thức phát triển khác.GIAO TIẾP BẮT ĐẦU TỪ TRÁI TIM
Một đứa trẻ không cần phải biết nói để giao tiếp. Trẻ sơ sinh đã làm được điều đó từ ngày đầu tiên – bằng tiếng khóc, ánh mắt, nụ cười. Trẻ khuyết tật cũng vậy. Cha mẹ cần quan sát những biểu hiện phi ngôn ngữ: trẻ có cười không? Có phản ứng lại khi bạn ôm trẻ hay không? Đây chính là những tín hiệu quan trọng để bạn hiểu con muốn gì, cần gì, và thích gì.
TƯƠNG TÁC MỖI NGÀY: NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ, NHƯNG LỚN LAO
Trẻ em được kích thích bởi mọi thứ trong môi trường xung quanh: âm thanh, sự tương tác, nụ cười của bạn. Vì vậy, nếu con bạn – dù có khuyết tật – đang ở gần bạn, hãy dành thời gian chơi với con, nói chuyện với con, giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản những việc bạn đang làm, mỉm cười với con, kể cho con nghe về thế giới xung quanh, tạo ra âm thanh để con phản ứng lại.
Mọi hoạt động hằng ngày của bạn – từ di chuyển trong nhà đến làm việc nhà – đều có thể trở thành cơ hội học hỏi cho con. Hãy vừa làm vừa kể cho con nghe: bạn đang rửa chén, đang nhúng chén vào nước… Hãy mô tả từng hành động một cách cụ thể. Tất cả những điều đó đều giúp kích thích trí não của trẻ.
NUÔI CON BẰNG TÌNH YÊU VÀ SỰ GẦN GŨI
Trẻ khuyết tật cũng thích được ôm ấp, chạm vào, chơi đùa như bất kỳ đứa trẻ nào. Hãy đọc sách cho trẻ nghe, cùng nhìn tranh, cù lét, cười cùng nhau. Nếu trẻ không thích một hoạt động, bạn sẽ nhận ra điều đó qua ánh mắt hay nét mặt. Khi ấy, hãy thử cách khác. Bạn là người hiểu con nhất – và chỉ cần bạn luôn ở đó, con sẽ cảm nhận được sự an toàn để phát triển.
KHI BẠN THIẾU THỜI GIAN – HÃY KÊU GỌI SỰ CHUNG TAY
Bạn không đơn độc trong hành trình nuôi dạy con khuyết tật. Những người thân trong gia đình – đặc biệt là anh chị em – thường rất tự nhiên trong việc chơi và tương tác với trẻ. Họ không mang định kiến hay sự lo lắng như người lớn. Hãy khuyến khích sự gần gũi ấy, bởi đó cũng là một phần quan trọng trong quá trình phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ.
HÃY TIN VÀO BẢN NĂNG CỦA MÌNH – VÀ ĐI TÌM HỖ TRỢ
Nếu bạn lo lắng rằng con mình có thể có một dạng khuyết tật nào đó, hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất và chia sẻ mối quan ngại của bạn với nhân viên y tế. Một số biểu hiện có thể là bình thường, nhưng nếu không, việc phát hiện sớm sẽ giúp con có được những hỗ trợ cần thiết ngay từ đầu – đặc biệt là trong những năm đầu đời, khi bộ não còn đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất.
Trẻ khuyết tật cần tình yêu, sự âu yếm và tôn trọng như bất kỳ ai. Một môi trường yêu thương, nơi trẻ được chấp nhận đúng với con người mình, sẽ tạo nên nền tảng để trẻ trở thành người lớn biết yêu thương – dù có mang theo khuyết tật hay không. Hãy là người đầu tiên nói với con: “Con xứng đáng, con có giá trị, và con luôn được yêu thương.” Một đứa trẻ khuyết tật được nuôi dưỡng bằng tình yêu sẽ lớn lên thành một người trưởng thành có thể vẫn mang khuyết tật, nhưng là người tử tế, đáng quý và dễ mến trong mắt mọi người.