Mang Đa Thai Và Những Điều Mẹ Bầu Cần Biết
Vietnam Parents World 20 tháng 05,2025Mang đa thai, bao gồm song thai, sinh ba hoặc hơn, là một hành trình thai kỳ đặc biệt tiềm ẩn muôn vàn thách thức, rủi ro đồng thời yêu cầu chăm sóc y tế riêng. Dẫu vậy, mẹ bầu hoàn toàn có thể vượt qua hành trình khó khăn một cách an toàn và khỏe mạnh, nhờ sự hỗ trợ tận tâm của đội ngũ y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm cùng kỹ thuật y học tiên tiến.
K
hả năng mang đa thai có thể gia tăng do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là nguyên nhân phổ biến, đặc biệt khi có nhiều phôi được chuyển vào tử cung. Phụ nữ trên 35 tuổi cũng có nguy cơ cao hơn, do ở độ tuổi này cơ thể thường rụng nhiều hơn một trứng trong mỗi chu kỳ kinh. Ngoài ra, nếu trong gia đình có tiền sử sinh đôi khác trứng, khả năng mang đa thai cũng cao hơn nhờ yếu tố di truyền. Tuy nhiên, song thai giống hệt nhau lại không chịu ảnh hưởng từ yếu tố này.KHI NÀO PHÁT HIỆN MANG ĐA THAI?
Bạn thường sẽ biết mình có đang mang đa thai hay không qua lần siêu âm đầu tiên trong khoảng tuần thai thứ 10 đến 14. Nếu thụ tinh nhân tạo, các lần siêu âm sớm hơn có thể xác nhận điều này từ trước.
CÁC LOẠI ĐA THAI
Siêu âm thai kỳ không chỉ giúp xác định số lượng mà còn cho biết các thai nhi có chung nhau thai hoặc túi ối hay không – điều quan trọng trong việc lên kế hoạch theo dõi cũng như chăm sóc y tế phù hợp. Nếu mỗi bé có nhau thai và túi ối riêng, đây là song thai dichorionic diamniotic (DCDA), thường ít rủi ro nhất. Nếu hai bé cùng chia sẻ nhau thai nhưng có túi ối riêng, mẹ đang mang song thai monochorionic diamniotic (MCDA). Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, hai bé có thể cùng dùng chung cả nhau thai và túi ối – monochorionic monoamniotic (MCMA) – là dạng có nguy cơ cao, cần giám sát sát sao.
Với thai ba, cấu trúc càng phức tạp hơn. Đầu tiên, dạng trichorionic triamniotic là khi cả ba bé đều có nhau thai cùng túi ối riêng. Tiếp đến, dạng dichorionic triamniotic xảy ra khi một bé có nhau thai riêng, còn hai bé còn lại chung nhau thai, nhưng cả ba có túi ối riêng. Cuối cùng, dạng dichorionic diamniotic là khi một bé có nhau thai, túi ối riêng, còn hai bé còn lại chia sẻ cả nhau thai lẫn túi ối. Việc xác định rõ cấu trúc nhau thai và túi ối sẽ giúp đội ngũ y tế dự báo chính xác mức độ rủi ro đồng thời đưa ra phương án chăm sóc phù hợp trong suốt thai kỳ.
CÁC BIẾN CHỨNG MẸ BẦU CÓ THỂ GẶP
Phần lớn các trường hợp đa thai vẫn tiến triển tốt, nhưng nguy cơ gặp biến chứng sẽ cao hơn so với thai đơn. Một số biến chứng thường gặp bao gồm:
TRIỆU CHỨNG THAI KỲ MẠNH HƠN
Sự gia tăng nội tiết tố có thể gây buồn nôn nặng, đau ngực, sưng mắt cá, giãn tĩnh mạch, đau lưng và mệt mỏi.
THIẾU MÁU (THIẾU SẮT)
Nguy cơ thiếu máu cao hơn khi mang đa thai. Thai phụ cần xét nghiệm máu tại các mốc 20 – 24 và 28 tuần để theo dõi sát sao.
TIỀN SẢN GIẬT
Tiền sản giật là tình trạng huyết áp cao kèm protein trong nước tiểu. Bác sĩ có thể chỉ định dùng aspirin liều thấp từ tuần 12 để giảm nguy cơ.
Ứ MẬT THAI KỲ (ICP)
Đây là vấn đề về gan, biểu hiện bằng triệu chứng ngứa mà không có phát ban và cần theo dõi sát với bác sĩ chuyên khoa.
HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU (DVT)
Mang đa thai làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt ở chân. Mẹ bầu cần đi khám kịp thời nếu có đau, sưng hoặc vùng da đỏ, nóng.
BIẾN CHỨNG TRONG CHUYỂN DẠ
Phụ nữ mang đa thai thường có nguy cơ cao cần đến các biện pháp hỗ trợ trong quá trình sinh nở, chẳng hạn như kích sinh, mổ lấy thai hoặc sinh hỗ trợ bằng dụng cụ tùy theo tình trạng sức khỏe mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, nguy cơ băng huyết sau sinh cũng cao hơn so với thai đơn. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng thuốc kết hợp các can thiệp y tế kịp thời.
CÁC VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI
Trong thai kỳ đa thai, các thai nhi có thể phát triển không đồng đều do nhau thai hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng chọn lọc (Selective Fetal Growth Restriction), khi một bé nhỏ hơn đáng kể so với các bé còn lại. Để theo dõi sát sao tình trạng cũng như can thiệp kịp thời nếu cần thiết, thai phụ sẽ được chỉ định siêu âm định kỳ trong suốt thai kỳ.
SINH NON
Do nguy cơ biến chứng tăng, bác sĩ có thể đề nghị sinh sớm hơn ngày dự sinh. Phần lớn các trường hợp sinh đôi và sinh ba diễn ra trước tuần thứ 37. Nếu có nguy cơ sinh non, mẹ bầu có thể được tiêm corticosteroid để hỗ trợ phổi thai nhi phát triển.
HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU SONG THAI (TTTS)
Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) xảy ra trong khoảng 15% các trường hợp song thai dùng chung nhau thai (monochorionic), khi dòng máu giữa các thai nhi không phân bổ đều khiến một bé có thể bị thiếu máu và huyết áp thấp, trong khi bé còn lại nhận quá nhiều máu dẫn đến huyết áp cao. Một số dấu hiệu cảnh báo cần đặc biệt lưu ý bao gồm bụng to nhanh bất thường, cảm giác đau hoặc căng tức vùng bụng, khó thở đột ngột và thay đổi trong chuyển động của thai. Phát hiện sớm TTTS đóng vai trò sống còn trong việc bảo vệ sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi, do đó thai phụ cần được theo dõi tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đủ điều kiện chẩn đoán, can thiệp kịp thời.
MẤT THAI
Đa thai có nguy cơ sảy thai, thai lưu hoặc tử vong sơ sinh cao hơn. Nếu chỉ một bé mất, điều này có thể gây cảm xúc phức tạp cho bố mẹ.
CHĂM SÓC TIỀN SẢN CHUYÊN BIỆT
Phụ nữ mang đa thai nên được theo dõi bởi đội ngũ chuyên môn cao gồm bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh kết hợp các chuyên gia hỗ trợ khác như chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng hoặc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ nhằm đảm bảo kế hoạch chăm sóc toàn diện và cá nhân hóa, bao gồm các buổi khám, siêu âm tăng cường phù hợp với đặc điểm của từng thai kỳ. Số lần khám sẽ phụ thuộc vào số lượng thai, việc các thai nhi có dùng chung nhau thai hoặc túi ối hay không, cũng như sự xuất hiện của bất kỳ biến chứng nào trong quá trình mang thai. Chẳng hạn, với song thai DCDA – khi mỗi bé có nhau thai và túi ối riêng, mẹ bầu cần ít nhất 8 lần khám, trong đó có 2 lần gặp bác sĩ chuyên khoa và siêu âm mỗi 4 tuần từ tuần thứ 20. Đối với song thai MCDA – khi hai bé dùng chung nhau thai, mẹ bầu cần ít nhất 11 lần khám kết hợp siêu âm mỗi 2 tuần bắt đầu từ tuần thứ 16. Trong trường hợp mang thai ba, số lần khám có thể dao động từ 9 đến 11 lần hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào cấu trúc nhau thai cũng như mức độ phức tạp của thai kỳ, nhằm đảm bảo việc theo dõi, can thiệp kịp thời nếu cần thiết.
TẦM SOÁT CÁC BẤT THƯỜNG DI TRUYỀN
Mẹ bầu tất nhiên vẫn được khuyến khích thực hiện các xét nghiệm tầm soát hội chứng Down, Edwards cùng Patau ở tuần 11 – 14. Tuy nhiên, trong thai kỳ đa thai, kết quả có thể kém chính xác hơn, và đôi khi khó xác định thai nhi nào bị ảnh hưởng nếu kết quả bất thường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ để thai phụ cân nhắc đưa ra quyết định phù hợp.