Sự Lên Ngôi Của Liệu Pháp Thiên Nhiên
Parents World Vietnam 30 tháng 05,2025Chúng ta sống trong những thành phố được quy hoạch theo tiêu chuẩn hiện đại, đầy đủ tiện ích và luôn kết nối. Nhưng khi mọi thứ trở nên tiện lợi đến mức gần như không cần rời khỏi nhà, chúng ta lại thèm cảm giác được chạm đất bằng chân trần, được hít thở không khí lạnh buổi sáng, được lắng nghe tiếng lá xào xạc từ những tán cây. Và đó chính là nơi khởi nguồn cho xu hướng mang tên liệu pháp thiên nhiên (outdoor therapy) giúp chăm sóc sức khỏe toàn diện.
K
hông còn là những kỳ nghỉ sang trọng trong resort kín cổng cao tường, cũng không hẳn là chuyến trekking khắc nghiệt cần thể lực dẻo dai. Du lịch chữa lành thông qua thiên nhiên là sự trở về đầy tính bản năng – nhẹ nhàng, bền bỉ và sâu sắc. Ở đó, thiên nhiên không còn chỉ là phông nền cho những tấm ảnh đẹp đăng lên Instagram mà trở thành nhân vật chính trong hành trình chữa lành nội tâm.Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn một nửa dân số toàn cầu đang sống ở đô thị và con số này có thể lên tới 70% vào năm 2050. Sự rời xa thiên nhiên không chỉ làm thay đổi lối sống, mà còn ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe tinh thần. Những vấn đề như căng thẳng mãn tính, rối loạn lo âu hay trầm cảm nhẹ đang ngày càng phổ biến – không chỉ ở người trưởng thành mà cả ở thanh thiếu niên.
Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều chuyên gia tâm lý học lâm sàng, bác sĩ và nhà trị liệu đang khuyến khích bệnh nhân rời khỏi không gian phòng trị liệu truyền thống, để bước vào thiên nhiên. Không phải như một phương pháp thay thế, mà là một liệu pháp bổ sung mang tính toàn diện. “Thiên nhiên giúp khôi phục sự điều hòa cảm xúc, tăng khả năng tập trung và làm dịu hệ thần kinh đang bị kích thích liên tục” – Tiến sĩ Andrew Cuthbert – một chuyên gia trị liệu tâm lý tại Hoa Kỳ – cho biết. Ông thường đưa bệnh nhân đi dạo trong công viên thay vì ngồi trong phòng kín. Sự kết hợp giữa chuyển động, không gian mở và hội thoại nhẹ nhàng giúp quá trình trị liệu trở nên tự nhiên và hiệu quả hơn.
KHI DU LỊCH TRỞ THÀNH MỘT LIỆU TRÌNH SỐNG
Không ít du khách từng trải nghiệm trạng thái thư thái khó gọi tên khi đứng giữa một cánh rừng tĩnh lặng, hay ngồi hàng giờ bên mặt hồ mà không cần làm gì cả. Cảm giác ấy không đơn thuần là “nghỉ ngơi”, mà là một dạng phục hồi sâu, nơi cơ thể được thả lỏng và tâm trí không còn gồng lên để phản ứng với quá nhiều kích thích.
Đó cũng là lý do các hình thức trị liệu ngoài trời đang được đưa vào chương trình wellness tại nhiều điểm đến trên thế giới: từ liệu pháp tắm rừng (shinrin-yoku) ở Nhật Bản, thiền âm thanh giữa đồng cỏ ở châu Âu, đến các chương trình trekking kết hợp thiền định tại Nam Mỹ. Có nơi xây dựng cả mê cung ngoài trời để người tham gia thực hành “bước đi có ý thức”. Một số nơi khác lại dùng hoa, nước và ánh sáng tự nhiên để tạo nên không gian chữa lành cho những người đang phục hồi sau tổn thương.
Dù hình thức khác nhau, điểm chung của tất cả các liệu pháp này là đưa con người trở lại với những gì đơn sơ nhất: không gian mở, nhịp điệu chậm và cảm giác được sống trong cơ thể thật sự của mình.
KHÔNG CẦN ĐI XA, CHỈ CẦN BƯỚC RA NGOÀI
Xu hướng này không chỉ dành cho những ai có điều kiện đi đến Iceland, New Zealand hay Bhutan. Nếu hiểu đúng về phương pháp này, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ: một buổi đi bộ không mang theo điện thoại, một buổi chiều ngồi dưới bóng cây gần nhà, hay một chuyến đi cuối tuần về vùng ngoại ô chỉ để lắng nghe tiếng gió.
Thậm chí việc tưới cây, chăm sóc một khu vườn nhỏ trên ban công, hay chỉ đơn giản là để cửa sổ mở rộng hơn vào mỗi sáng cũng là những thói quen chữa lành mang tính vi mô. Trong không gian đô thị, những khoảnh khắc ấy giúp con người giữ lại phần gốc rễ tự nhiên – mắc dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi.
Điều quan trọng nhất của liệu pháp thiên nhiên không phải là địa điểm mà là sự hiện diện trọn vẹn trong khoảnh khắc. Bởi không có sự chữa lành nào diễn ra nếu tâm trí ta vẫn bị kéo về những cuộc họp ngày mai, hay những thông báo chưa đọc trong hộp thư đến.