Hồi Chuông Tỉnh Thức Cho Các Bậc Phụ Huynh

Tường Vân 20 tháng 05,2025

Adolescence không chỉ là một loạt phim tội phạm, mà còn là bản cáo trạng nhức nhối về sự thờ ơ của người lớn trước cơn khủng hoảng danh tính, cảm xúc và đạo đức mà thanh thiếu niên nam đang phải đối mặt.

THẾ HỆ LẠC LỐI TRONG IM LẶNG

T

rong Adolescence, bộ phim bốn tập hiện đang gây chấn động Netflix, chúng ta theo chân vụ điều tra cái chết của cô bé Katie do Jamie Miller – một cậu bé 13 tuổi “ngoan ngoãn” và trầm lặng – bị tình nghi sát hại. Ban đầu, những người lớn trong phim đều cho rằng giữa hai em là mối quan hệ bạn bè, thậm chí tình cảm học trò. Nhưng sự thật – được hé lộ qua những biểu tượng emoji tưởng như vô hại – lại cho thấy Jamie là nạn nhân của một kiểu bắt nạt mới, phức tạp và cực kỳ độc hại: bắt nạt bằng mã ngầm từ các cộng đồng “manosphere” – nơi nuôi dưỡng tư tưởng thù ghét phụ nữ, tôn vinh bạo lực và đề cao “nam tính độc hại”.

Từ đây, bộ phim mở ra một thế giới mà người lớn không hiểu, không biết cách kiểm soát và – tệ hơn cả – không thèm để tâm. Trong thế giới ấy, những cậu bé như Jamie lớn lên với sự thiếu vắng định hướng từ người lớn, và dễ dàng rơi vào bẫy của những “người anh” như Andrew Tate – biểu tượng văn hóa mạng cổ xúy bạo lực, khinh miệt phụ nữ và gieo rắc độc tố lên thế hệ thanh thiếu niên đang bơ vơ đi tìm ý nghĩa bản thân.

Jamie – cậu bé có vẻ ngoài ngoan ngoãn, thoạt nhìn tưởng chừng vô hại.

BẢN CÁO TRẠNG NHẮM VÀO SỰ THỜ Ơ CỦA PHỤ HUYNH

Đạo diễn Jack Thorne từng nói: “Adolescence không phải là một whodunnit (ai làm), mà là một whydunnit (vì sao lại làm).” Và trong hành trình giải mã hành vi của Jamie, điều ám ảnh người xem nhất chính là sự vắng mặt cảm xúc từ phía cha mẹ cậu.

Jamie không lớn lên trong một gia đình bị bạo hành. Cha mẹ cậu hiện diện – nhưng không thực sự hiện diện. Họ bận rộn, họ thiếu kết nối, họ không thấy cậu bé đang dần trượt khỏi vòng kiểm soát. Cái giá của sự thiếu quan sát ấy là một tội ác không thể vãn hồi.

Câu hỏi đau đớn mà phim đặt ra: Jamie tự mình đi đến con đường thù ghét và bạo lực, hay chính người lớn đã bỏ rơi em ở mỗi bước rẽ cuộc đời?

Cha của Jamie cùng các thành viên khác trong gia đình khi họ phải đối mặt với hậu quả từ sự lơ là và thiếu quan tâm của chính mình.

KHI “NAM TÍNH” TRỞ THÀNH MỘT BI KỊCH

Bên trong Jamie là những tổn thương âm ỉ mà cậu không có ngôn ngữ để gọi tên: cảm giác bị cô lập, tự ti, không có giá trị. Và mạng xã hội – nơi lẽ ra có thể là chốn sẻ chia – lại trở thành nơi đầu độc, đổ thêm dầu vào lửa bằng những tư tưởng độc hại đến từ cộng đồng incel: nơi những người đàn ông tin rằng mình bị phụ nữ từ chối một cách bất công, rằng phụ nữ nắm hết quyền lực lựa chọn, và rằng để được công nhận, họ phải thao túng, chi phối, thậm chí gây tổn thương cho phụ nữ.

Trong một cảnh đối thoại giữa Jamie và nhà tâm lí học, khán giả được chứng kiến những mảnh ghép đáng sợ của tư tưởng ấy: Jamie không nhìn phụ nữ như con người với những cảm xúc và giới hạn riêng. Jamie không la hét, không tỏ ra hung hãn theo kiểu cổ điển. Sự đe dọa của cậu đến từ ánh mắt lạnh tanh, sự thản nhiên đến rợn người khi nói về nạn nhân Katie, và cách cậu biến mọi cuộc trò chuyện thành cuộc đối đầu về quyền lực. Trong ánh mắt của Jamie, con gái không còn là “bạn cùng lớp”, mà là “những người không chọn mình” – và vì thế, trở thành kẻ thù. Dưới vẻ mặt lạnh lùng và giọng nói bình thản là một hệ giá trị đã bị bóp méo đến mức đáng sợ.

Một nhà tâm lý học trẻ em phỏng vấn Jamie nhằm đánh giá liệu cậu có nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi mình hay không.

Điều đáng sợ hơn là quá trình hình thành nên Jamie không hề đột ngột. Những ý tưởng sai lệch ấy không xuất hiện ngay lập tức. Chúng len lỏi qua game, video giải trí, meme, các hội nhóm bạn bè – những thứ mà người lớn thường phớt lờ, xem là “vô hại”. Nhưng như biên kịch Jack Thorne đã chia sẻ: “Không phải cậu bé 13 tuổi nào cũng theo dõi Andrew Tate, nhưng các em đang theo dõi những người bị ảnh hưởng bởi Tate – và rồi, cái vòng ảnh hưởng cứ thế lan rộng.”

Đây là kiểu “nam tính” mà xã hội đã thất bại trong việc định nghĩa lại cho thế hệ trẻ. Khi không có mô hình nam tính lành mạnh, một bộ phận con trai đã tìm đến những “anh hùng mạng” – nơi họ được nghe rằng nỗi đau của mình là lỗi của người khác, đặc biệt là phụ nữ. Và Jamie là kết quả bi kịch của sự kết hợp giữa tổn thương không được chữa lành và tư tưởng lệch lạc không được ngăn chặn.

VẬY PHẢI LÀM GÌ?

Adolescence không đưa ra câu trả lời đơn giản. Bởi bản thân vấn đề này không đơn giản. Nhưng bộ phim là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ: chúng ta, với tư cách là cha mẹ, không thể tiếp tục đứng ngoài.

Chúng ta cần quan sát thật sự, lắng nghe thật lòng, và đặt những câu hỏi khó – trước khi quá muộn. Việc cấm con dùng điện thoại, rút phích mạng Wi-Fi hay cài phần mềm kiểm soát chỉ là phần ngọn. Gốc rễ vẫn là: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có đủ tin tưởng để con mở lòng không?

Hãy nói chuyện với con – về cảm xúc, về bạn bè, về thế giới ảo và thực. Hãy tạo ra không gian để con dám nói về nỗi buồn, sự tổn thương, và cả những sai lầm. Hãy học cùng con – về emoji, về meme, về những góc tối của mạng xã hội.

Và hơn hết, tất cả mọi người, không chỉ riêng bậc cha mẹ, hãy là người lớn có trách nhiệm. Bởi như bộ phim đã nói: “Phải mất cả một ngôi làng để nuôi một đứa trẻ. Và cũng chính ngôi làng ấy có thể hủy hoại em.”

Adolescence không chỉ là một bộ phim. Nó là một chiếc gương – phản chiếu sự lơ là của chính chúng ta với thế hệ tiếp theo. Đằng sau mỗi Jamie là một tập hợp những người lớn đã không nhìn thấy, không nghe thấy và không đủ dũng cảm để bước vào thế giới nội tâm của một đứa trẻ đang cần được cứu lấy.

BẠN SẼ THÍCH

Trải Nghiệm Trò Chơi Mạo Hiểm Cho Trẻ Giúp Tăng Tự Tin Và Bản Lĩnh Hơn
Phát Triển Trẻ Nhỏ

Trẻ Cần Mạo Hiểm Để Phát Triển Toàn Diện

Chuong Nguyen
Khi Thế Giới Skincare Xa Xỉ Chạm Tới Làn Da Trẻ Nhỏ
Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh

Khi Thế Giới Skincare Xa Xỉ Chạm Tới Làn Da Trẻ Nhỏ

Thao Nguyen
Không Gian Tối Giản Nuôi Dưỡng Tâm Hồn Trẻ Nhỏ
Phát Triển Trẻ Nhỏ

Thiết Kế Tối Giản Nuôi Dưỡng Tâm Hồn Trẻ Nhỏ

Chuong Nguyen
Giai Đoạn Vàng Trong Hành Trình Con Khôn Lớn
Phát Triển Trẻ Nhỏ

Giai Đoạn Vàng Trong Hành Trình Con Khôn Lớn

My Hien
Phát Triển Kỹ Năng Tư Duy Cùng LEGO
Phát Triển Trẻ Nhỏ

Phát Triển Kỹ Năng Tư Duy Cùng LEGO

My Hien

Xu hướng

Xây Dựng Gia Đình

“Tuyên Ngôn” Về Quyền Tự Quyết Sức Khỏe Và Sinh Sản

Vietnam Parents World
Cân Bằng Cuộc Sống

5 Cách Để Cải Thiện Cuộc Sống Của Bạn

Vietnam Parents World
Vượt Qua Thách Thức

5 Dấu Hiệu Mối Quan Hệ Đang Rạn Nứt

Vietnam Parents World
Hướng Nghiệp & Học Bổng

5 Quốc Gia Lý Tưởng Cho Kế Hoạch Du Học Năm 2025

Vietnam Parents World
Ý Tưởng DIY

8 Món Đồ Chơi Tự Làm Dễ Thương Cho Bé

Mỹ Hiền
Kỹ Năng Số

Ai Là “Nạn Nhân” Thực Sự Của Thời Đại Số?

Parents World Vietnam
Ý Tưởng DIY

Chế Tạo Khu Vườn Tái Chế Mini Cho Bé

Thảo Nguyên
Vượt Qua Thách Thức

Chữa Lành Những Tổn Thương Cảm Xúc

Parents World Vietnam
This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.