Tâm Thế Sẵn Sàng Bước Vào Ngôi Trường Mới
Vietnam Parents World 20 tháng 05,2025Vốn dĩ là bước ngoặt lớn đối với mọi trẻ nhỏ, chuyển cấp hoặc lớp càng thêm đặc biệt trong trường hợp bé có nhu cầu hỗ trợ riêng. Một kế hoạch chu đáo, sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, cùng môi trường học đường tương thích sẽ giúp con tự tin thích nghi, phát triển toàn diện cũng như có trải nghiệm học tập tích cực.
B
ắt đầu một cấp học mới luôn là cột mốc lớn trong cuộc sống của bất kỳ đứa trẻ nào, và với trẻ khuyết tật, hành trình có thể đi kèm thêm nhiều thách thức. Từ việc làm quen không gian, xây dựng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, đến việc đảm bảo các hỗ trợ cần thiết trong lớp học, quá trình chuyển tiếp vào trường – đặc biệt tại môi trường học hòa nhập – đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như phối hợp chặt chẽ giữa gia đình cùng nhà trường.
CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ HỖ TRỢ CON?
Bắt đầu bằng việc trò chuyện với con
Việc đầu tiên và quan trọng nhất là lắng nghe chính mong muốn, cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Phụ huynh hãy hỏi con: “Một ngày đi học vui vẻ đối với con sẽ như thế nào?”, “Con thích điều gì?”, “Điều gì khiến con thấy tự tin hay thoải mái?”… Những cuộc trò chuyện này giúp cha mẹ hiểu rõ hơn nhu cầu thật sự của trẻ và từ đó có thể truyền tải chính xác đến nhà trường.

Giao tiếp cởi mở với nhà trường
Sau khi đã có cái nhìn từ phía con, phụ huynh cần chủ động trao đổi với giáo viên và cán bộ nhà trường về những điều con cần để có thể học tập và hòa nhập. Theo quy định của luật giáo dục dành cho người khuyết tật, phụ huynh có quyền yêu cầu các điều chỉnh hợp lý trong môi trường học để phù hợp với khả năng cùng tình trạng của trẻ.
Chủ động và chuẩn bị sớm
Một trong những yếu tố giúp chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ là sự chuẩn bị từ sớm. Phụ huynh có thể làm video giới thiệu, viết thư gửi nhà trường hoặc bạn cùng lớp để giới thiệu câu chuyện của con, và tham gia tích cực vào các hoạt động tại trường trong giai đoạn đầu. Hành động này không chỉ giúp giáo viên hiểu con hơn mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng thân thiện, đồng cảm và dễ dàng đón nhận sự khác biệt.

Hiểu rằng quá trình cần nhiều thời gian
Ngay cả với những kế hoạch chuyển tiếp kỹ lưỡng nhất, không phải mọi thứ đều diễn ra hoàn hảo ngay lập tức. Nhà trường sẽ cần thời gian để làm quen với nhu cầu riêng của từng trẻ. Trong khi đó, phụ huynh phải kiên nhẫn, linh hoạt và giữ vững niềm tin rằng sự thấu hiểu sẽ dần được xây dựng qua từng ngày.
Tăng cường kỹ năng độc lập ngoài lớp học
Đôi khi, phụ huynh quá tập trung vào việc chuẩn bị học tập mà quên mất khả năng tự lập trong các hoạt động thường ngày cũng đóng vai trò rất lớn. Theo đó, việc hướng dẫn trẻ cách làm quen với khuôn viên trường, sử dụng phương tiện công cộng, đọc thời khóa biểu hay giao tiếp cơ bản với bạn bè, thầy cô… đều là những bước nhỏ nhưng có giá trị lâu dài.
TRƯỜNG HỌC CẦN CHUẨN BỊ GÌ?
Tạo mối quan hệ sớm với gia đình học sinh
Điều quan trọng hàng đầu là nhà trường, giáo viên chủ động tiếp cận, tìm hiểu cũng như hợp tác với gia đình trẻ khuyết tật. Sự tin tưởng hai chiều đóng vai trò nền tảng để cùng thiết kế giải pháp phù hợp, từ phân công nhân sự hỗ trợ đến điều chỉnh chương trình học hay xây dựng môi trường học an toàn, thân thiện.

Chủ động lên kế hoạch từ sớm
Việc chuẩn bị các nguồn lực – từ nhân sự hỗ trợ, thiết bị trợ giúp cho đến cải tạo không gian vật lý – cần được triển khai sớm, không chỉ với trẻ mầm non mà cả khi chuyển cấp. Một khởi đầu suôn sẻ chắc chắn tạo tiền đề vững chắc cho quá trình học tập sau này. Ngược lại, nếu việc chuyển tiếp diễn ra lúng túng, trẻ có thể cảm thấy chán nản, mất tự tin đồng thời khó thích nghi.