Lắng Nghe Để Thấu Hiểu Tâm Tư Đối Phương

Vietnam Parents World 15 tháng 05,2025

Hôn nhân nói riêng và mọi mối quan hệ xã hội nói chung trở nên bền vững khi người trong cuộc biết lắng nghe. Khi thật sự lắng nghe, bạn không chỉ tiếp nhận ngôn từ mà còn có thể thấu hiểu tường tận cảm xúc, nhu cầu cũng như góc nhìn của đối phương.

V

iệc bạn nghĩ mình đã lắng nghe tốt hay chưa không quan trọng, bởi mỗi người đều có khả năng trở thành người lắng nghe tốt hơn. Mỗi chúng ta luôn có thể nỗ lực nhiều hơn để đối phương cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Việc dành trọn vẹn sự chú ý cho họ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi tạo cảm giác được đồng hành và nâng đỡ – điều cần thiết cho bất kỳ mối quan hệ nào.

Việc dành trọn vẹn sự chú ý trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mang đến cho đối phương cảm giác được đồng hành và nâng đỡ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE?

Dù là người đã biết hay vẫn đang trên hành trình hoàn thiện kỹ năng, ai trong chúng ta cũng có thể trở nên lắng nghe tốt hơn, đặc biệt là với bạn đời. Nếu quan tâm đến chủ đề thú vị này, bạn hãy dành thời gian tham khảo một số gợi ý thiết thực giúp nâng cao khả năng lắng nghe – yếu tố cần thiết trong mọi mối quan hệ xã hội, tình cảm hoặc hôn nhân.

CHÚ Ý ĐẾN NGÔN NGỮ CƠ THỂ
Điều này không chỉ áp dụng cho ngôn ngữ cơ thể của bạn đời mà còn cho chính bạn. Việc quan sát tư thế cũng như biểu cảm từ đối phương cho phép hiểu rõ hơn về cảm xúc mà họ đang trải qua. Đồng thời, ngôn ngữ cơ thể chính bạn cũng cần truyền tải thông điệp rằng mình đang thực sự lắng nghe. Bạn hãy thể hiện thái độ quan tâm đến câu chuyện cũng như cảm xúc của người ấy bằng cách nhìn thẳng, hướng cơ thể về phía họ và, nếu có thể, nghiêng người về phía trước. Tư thế này giống như một đứa trẻ đang say mê lắng nghe chuyện kể – một hành động tự nhiên thể hiện sự chú ý và quan tâm sâu sắc.

Việc quan sát tư thế và biểu cảm sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc mà đối phương đang trải qua.

NGHE ĐỂ THẤU HIỂU, KHÔNG PHẢN BIỆN
Các lớp tranh biện ở trường có thể giúp chúng ta rèn luyện khả năng lập luận, nhưng nếu áp dụng tư duy tranh biện vào mọi cuộc trò chuyện, đặc biệt là với bạn đời, thì lại phản tác dụng. Khi đó, bạn chỉ chú ý để phản bác thay vì thực sự lắng nghe. Trong mối quan hệ, hãy lắng nghe với mục đích hiểu thêm về đối phương, chứ không phải để bảo vệ quan điểm cá nhân. Giao tiếp trong tình yêu không phải cuộc tranh luận, mà là cơ hội để kết nối sâu hơn và khám phá những khía cạnh tinh tế trong suy nghĩ, cảm xúc của người mình yêu.

TẬP TRUNG VÀO NGƯỜI ĐANG NÓI
Để trở thành người lắng nghe tốt, bạn cần thực sự lắng nghe – nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng lại khó hơn ta tưởng. Lắng nghe thực sự nghĩa là tập trung hoàn toàn vào đối phương cùng những gì họ đang chia sẻ, không để bất kỳ yếu tố nào gây xao nhãng. Hành động đơn giản này có thể khiến họ cảm thấy được trân trọng sâu sắc.

Lắng nghe thực sự nghĩa là tập trung hoàn toàn vào đối phương và những gì họ đang chia sẻ.

DIỄN GIẢI ĐỂ THỂ HIỆN SỰ THẤU HIỂU
Khi diễn đạt lại mối quan tâm của đối phương bằng lời thốt ra từ chính bạn, họ sẽ biết rằng bạn không chỉ nghe mà còn hiểu đúng điều muốn truyền đạt – giảm nguy cơ hiểu lầm và tránh mâu thuẫn sau này. Đồng thời, hành động này cũng xác nhận rằng bạn đang cảm nhận đúng cảm xúc mà đối phương đang trải qua. Tuy nhiên, diễn giải chỉ nên là điểm khởi đầu cho việc chia sẻ suy nghĩ cá nhân để duy trì sự kết nối thực sự bên cạnh tránh cảm giác máy móc trong cuộc trò chuyện.

LẮNG NGHE KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ PHẢI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng muốn “sửa” ngay mọi vấn đề khi người bạn đời chia sẻ điều gì đó khiến họ lo lắng. Tuy nhiên, lắng nghe hiệu quả đòi hỏi bạn phải tạm gác lại nhu cầu giải quyết. Đôi khi, đối phương không cần giải pháp mà chỉ cần được lắng nghe và thấu hiểu. Vì vậy, bạn hãy tập trung vào việc hiện diện cũng như lắng nghe trọn vẹn. Giải pháp, nếu cần, có thể đến sau và do cả hai cùng thống nhất.

CHÚ Ý LẮNG NGHE MÀ KHÔNG PHÁN XÉT
Việc hoàn toàn không phán xét khi lắng nghe, đặc biệt khi đối phương đang đề cập đến điều gì đó liên quan đến bạn, trở thành một thách thức lớn. Phản ứng tự nhiên của nhiều người là tìm cách biện minh hoặc phản bác để chuyển hướng chú ý. Tuy nhiên, đó không phải cách lắng nghe hiệu quả. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích đối phương sử dụng các câu nói bắt đầu bằng “tôi” thay vì “bạn” để giảm cảm giác bị đổ lỗi và giúp cả hai tập trung vào cảm xúc của người đang chia sẻ.

Việc hoàn toàn không phán xét khi lắng nghe là một thách thức lớn.

ĐỒNG CẢM VỚI ĐỐI PHƯƠNG
Tất cả những kỹ thuật lắng nghe sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không thực sự muốn lắng nghe đối phương – lắng nghe một cách chủ động, chứ không phải chỉ chờ đến lượt mình phản hồi. Để trở thành người lắng nghe tốt, bạn còn phải nỗ lực hiểu góc nhìn cũng như cảm xúc của bạn đời. Điều này có thể khó, nhất là khi bạn cảm thấy cần tự bảo vệ mình, nhưng sự đồng cảm chính là chìa khóa để kết nối sâu sắc hơn.

Bên cạnh lắng nghe, bạn còn phải nỗ lực hiểu góc nhìn và cảm xúc của bạn đời.

TÌM ĐẾN CHUYÊN GIA TÂM LÝ
Một chuyên gia tâm lý có thể là nguồn hỗ trợ tuyệt vời, không chỉ giúp bạn áp dụng hiệu quả các kỹ năng lắng nghe mà còn đưa ra những chiến lược cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh riêng. Dù đang cần hỗ trợ cá nhân, mong muốn cùng người bạn đời cải thiện mối quan hệ, hay chỉ đơn giản có vài thắc mắc cần giải đáp, bạn đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn! Đôi khi, để trở thành người lắng nghe tốt hơn, điều ta cần nhất chính là một góc nhìn bên ngoài.

BẠN SẼ THÍCH

Bí Quyết Giao Tiếp

Câu Hỏi Dành Cho Cặp Đôi Để Nuôi Dưỡng Sự Thân Mật Lâu Dài

Chuong Nguyen
Vượt Qua Thách Thức

Hiểu Đúng Tâm Lý Tiền Hôn Nhân Để Chuẩn Bị Vững Vàng

Chuong Nguyen
Tổ Chức Hôn Lễ

Ước Hẹn Giữa Mây Trời Và Gió Nước

Parents World Vietnam
Xây Dựng Tình Cảm

Sự Bùng Nổ Của Dịch Vụ Hẹn Hò Cao Cấp

Thao Nguyen
Vượt Qua Thách Thức

Phép Màu Xoa Dịu Mọi Tổn Thương

Vietnam Parents World

Xu hướng

Xây Dựng Gia Đình

“Tuyên Ngôn” Về Quyền Tự Quyết Sức Khỏe Và Sinh Sản

Vietnam Parents World
Cân Bằng Cuộc Sống

5 Cách Để Cải Thiện Cuộc Sống Của Bạn

Vietnam Parents World
Vượt Qua Thách Thức

5 Dấu Hiệu Mối Quan Hệ Đang Rạn Nứt

Vietnam Parents World
Hướng Nghiệp & Học Bổng

5 Quốc Gia Lý Tưởng Cho Kế Hoạch Du Học Năm 2025

Vietnam Parents World
Ý Tưởng DIY

8 Món Đồ Chơi Tự Làm Dễ Thương Cho Bé

Mỹ Hiền
Kỹ Năng Số

Ai Là “Nạn Nhân” Thực Sự Của Thời Đại Số?

Parents World Vietnam
Ý Tưởng DIY

Chế Tạo Khu Vườn Tái Chế Mini Cho Bé

Thảo Nguyên
Vượt Qua Thách Thức

Chữa Lành Những Tổn Thương Cảm Xúc

Parents World Vietnam
This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.