Homeschooling Và Con Đường Giáo Dục Dành Cho Những Bậc Cha Mẹ Kiên Định
Thao Nguyen 17 tháng 07,2025Không có tiếng chuông reo vang báo hiệu giờ vào lớp, không có những khoảng sân trường chật kín học sinh, cũng không có bảng điểm cuối kỳ; với những gia đình chọn con đường homeschooling (giáo dục tại nhà) hành trình trưởng thành của con cái họ được đánh giá bằng sự tự chủ, tính tò mò và niềm hạnh phúc học tập, chứ không phải gói gọn trong khung chương trình cố định hay những kỳ thi được chuẩn hóa cho cả xã hội.
T
ại Singapore – nơi hệ thống giáo dục vốn nổi tiếng khắt khe và bài bản – số lượng gia đình chọn dạy con tại nhà tuy không nhiều nhưng đang dần tăng lên. Và phía sau mỗi quyết định dũng cảm ấy là những câu chuyện không kém phần dữ dội: của những người cha, người mẹ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp, thời gian, cả sự an toàn tài chính để theo đuổi một niềm tin rằng con họ xứng đáng được học theo một con đường hoàn toàn khác.KHI GIÁO DỤC TRỞ THÀNH LỰA CHỌN CHỦ ĐỘNG
Với nhiều gia đình, quyết định rời bỏ hệ thống trường học không đến từ sự nổi loạn, mà là từ sự thấu hiểu sâu sắc về đứa trẻ mà họ đang nuôi dưỡng. Họ nhìn thấy sự mỏi mệt trong ánh mắt con sau những giờ học kéo dài, sự lo âu trước mỗi bài kiểm tra, và hơn hết, là sự nguội lạnh của trí tò mò: điều từng khiến con họ háo hức với hàng trăm câu hỏi “tại sao?” mỗi sáng.
Homeschooling, trong mắt họ, không phải là phủ nhận hệ thống truyền thống, mà là một sự lựa chọn đầy trách nhiệm: lựa chọn được đồng hành sát sao với con, lựa chọn được thiết kế chương trình học riêng biệt, và lựa chọn được đưa con vượt ra ngoài bức tường lớp học để tới với nhà bếp, viện bảo tàng, hay thậm chí là rừng sâu và biển lớn.
Nhưng như tất cả những điều đáng giá trong đời, sự lựa chọn này không bao giờ dễ dàng.
MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦY CAN ĐẢM, KỶ LUẬT VÀ HY SINH
Dạy con tại nhà đòi hỏi nhiều hơn khả năng sư phạm. Đó là thử thách của sự kiên nhẫn khi con từ chối học bảng cửu chương vào một buổi sáng se lạnh đầy uể oải. Là bài toán tài chính khi một phụ huynh phải từ bỏ công việc để làm giáo viên toàn thời gian. Là sự bền bỉ khi soạn giáo án, tìm tài liệu, tổ chức các hoạt động thực hành không phải cho một lớp học 30 người, mà cho một đứa trẻ duy nhất.
Tại Singapore, gia đình nào muốn homeschooling đều phải xin phép Bộ Giáo dục, nộp đề án giảng dạy chi tiết và chịu đánh giá định kỳ. Điều đó không chỉ thể hiện sự nghiêm túc của hệ thống, mà còn là lời nhắc rằng: đây không phải là quyết định cảm tính. Homeschooling không phải là “kế hoạch B” khi con không hòa nhập được với trường lớp mà là một dự án giáo dục dài hơi, nơi cha mẹ trở thành nhà thiết kế, người truyền cảm hứng và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Chính vì vậy, những người cha mẹ chọn con đường này thường có điểm chung: họ cực kỳ hiểu con, và cũng cực kỳ hiểu mình.
TỰ DO NHƯNG KHÔNG CÔ LẬP
Một trong những rào cản lớn nhất của giáo dục tại nhà chính là sự cô lập – không chỉ của trẻ, mà của chính phụ huynh. Trong khi bạn bè con đi học cả ngày, tham gia các buổi sinh hoạt tập thể, các kỳ thi… thì homeschooler phải học cách kết nối qua những cộng đồng nhỏ hơn, gặp bạn ở công viên, lớp học nghệ thuật, hay các nhóm học trực tuyến.
Nhưng những gia đình homeschooling lâu năm đều đồng ý rằng: chính sự cô lập ban đầu ấy giúp họ tìm được cộng đồng thật sự phù hợp nơi các con không bị so sánh, sự đa dạng được trân trọng, và người lớn không còn mặc định một định nghĩa duy nhất về “thành công trong học tập”.
Và trên tất cả, chính sự tự do ấy về chương trình, thời gian, phương pháp ấy cho phép trẻ phát triển đúng nhịp, đúng bản chất của mình. Một đứa trẻ yêu thiên nhiên có thể học sinh học qua việc làm vườn, một bé mê toán có thể vượt cấp sớm mà không bị gò bó, còn một em nhút nhát có thể dần dần tự tin qua các trải nghiệm được thiết kế riêng, không áp lực.
TƯƠNG LAI NÀO CHO HOMESCHOOLING TẠI VIỆT NAM?
Ở Việt Nam, homeschooling vẫn đang là một khái niệm mới mẻ chưa được pháp luật quy định cụ thể trong Luật Giáo dục hiện hành. Dù chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, vẫn có những gia đình, đặc biệt là các phụ huynh trẻ, có trình độ cao, sống tại thành phố lớn, đang âm thầm thử nghiệm hình thức giáo dục này. Họ thường tự thiết kế chương trình, kết nối với các nhóm học tập cộng đồng và sử dụng nguồn học trực tuyến toàn cầu để bù đắp khoảng trống về mặt pháp lý và tài liệu giảng dạy.
Tuy vậy, do chưa có quy định chính thức, việc dạy con tại nhà ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro: trẻ không được cấp bằng tốt nghiệp chính quy, thiếu cơ hội dự thi các kỳ thi quốc gia, và phụ huynh có thể đối mặt với sự chất vấn từ cộng đồng hoặc chính quyền cơ sở. Vì vậy, homeschooling tại Việt Nam hiện nay vẫn là một “vùng xám” mà người dấn thân cần rất nhiều sự kiên định, linh hoạt và tầm nhìn dài hạn.
Nhưng chính trong vùng xám ấy vẫn bắt đầu le lói những hạt mầm của sự thay đổi: khi phụ huynh đặt câu hỏi nghiêm túc về mục tiêu thật sự của giáo dục, và khi xã hội bắt đầu thừa nhận rằng có nhiều hơn một con đường để trẻ em lớn lên thành người hữu ích và hạnh phúc. Điều quan trọng không phải là con bạn học ở đâu, mà là con bạn có đang học với niềm vui và sự chủ động hay không.