Kiến Xây Nền Móng Tài Chính Vững Vàng Cho Tương Lai
Vietnam Parents World 13 tháng 05,2025Hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu rõ tầm quan trọng của hoạch định kế hoạch tài chính nhưng đôi khi lại quên rằng con trẻ cũng cần được định hướng về điều này. Việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu ngay từ sớm – bắt đầu bằng việc mở tài khoản ngân hàng đứng tên trẻ – giúp đặt nền móng cho tương lai tài chính vững vàng.
M
ở tài khoản tiết kiệm đứng tên trẻ là bước đầu giúp hình thành thói quen tài chính tích cực suốt đời. Khi cùng con xây dựng kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu, bạn có thể xem xét lại cũng như hoàn thiện kế hoạch tài chính của chính mình. Một kế hoạch đơn giản, rõ ràng sẽ giúp cả cha mẹ lẫn trẻ vượt qua nỗi sợ đầu tư sau này, vì tài chính vốn dĩ phức tạp.
Nhiều ngân hàng cho phép chia tài khoản thành hai phần: tiết kiệm dài hạn và mục tiêu chi tiêu. Giữa nhịp sống số, chúng ta dễ dàng so sánh tính năng, ưu đãi từ nhiều ngân hàng khác nhau, trước khi quyết định đăng ký một tài khoản trực tuyến. Thay vì đến quầy giao dịch, bạn có thể hướng dẫn con cách nhận tiền tiêu vặt hằng tuần qua chuyển khoản trực tuyến vừa tiện lợi, vừa phù hợp với xu hướng công nghệ hiện đại.
PHÂN CHIA HỢP LÝ KHOẢN TIỀN TRẺ HIỆN SỞ HỮU
Ngay khi trẻ bắt đầu nhận tiền tiêu vặt hoặc được tặng tiền từ người thân, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm. Thay vì dùng từ “ngân sách” với hàm ý tiêu cực, bạn hãy gọi đó là “kế hoạch tài chính cá nhân”. Theo đó, phụ huynh hãy trao cho trẻ quyền quyết định tỷ lệ tiết kiệm và chi tiêu, cũng như khuyến khích sự tự chủ cùng tinh thần trách nhiệm. Nếu tiền tiêu vặt thay đổi theo thời gian, chúng ta hãy hướng dẫn trẻ sử dụng tỷ lệ phần trăm thay vì số tiền cố định để hình thành thói quen tiết kiệm lâu dài.

RÈN LUYỆN TÍNH KỶ LUẬT CÙNG THÓI QUEN CHI TIÊU LÀNH MẠNH
Phụ huynh không nên can thiệp vào cách trẻ sử dụng khoản tiền chi tiêu. Với trẻ nhỏ, vài đô la có thể là cả một gia tài. Thế nên, bạn hãy để trẻ tự quyết định cũng như chịu trách nhiệm. Việc giáo dục tài chính từ sớm giúp trẻ hiểu giá trị đồng tiền, rèn luyện tính kỷ luật và hạn chế chi tiêu bốc đồng. Bởi lẽ, những thói quen chi tiêu lành mạnh sẽ là hành trang vững chắc giúp con tự tin đối mặt vô số thử thách tài chính trong suốt cuộc đời.
GIẢI THÍCH CẶN KẼ VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TIẾT KIỆM
Khi trẻ quyết định tỷ lệ tiết kiệm, cha mẹ hãy hướng dẫn con phân chia thành hai phần: một cho tương lai, một cho mục tiêu cụ thể. Với trẻ nhỏ, bạn nên khuyến khích đặt một mục tiêu duy nhất, như món đồ chơi hoặc dụng cụ thể thao, để trẻ dễ theo dõi tiến độ. Việc nhìn thấy tiền tích lũy dần sẽ tạo động lực tiết kiệm nhiều hơn. Khi trẻ lớn hơn, mục tiêu có thể là máy tính, xe cộ, quỹ đại học, quỹ mua nhà… miễn sao phần tiết kiệm dài hạn vẫn được duy trì. Sau khi lập xong kế hoạch và đồng thuận, bước tiếp theo là mở tài khoản tiết kiệm dành cho trẻ tại ngân hàng uy tín.

MỞ MỘT TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG ĐỨNG TÊN CON
Trước khi mở tài khoản cho con, cha mẹ nên đến ngân hàng để tìm hiểu các loại tài khoản dành riêng cho trẻ em. Nhiều ngân hàng hiện cung cấp các ưu đãi hấp dẫn như một cách để xây dựng lòng trung thành từ sớm. Sau khi chọn tài khoản phù hợp, bạn hãy đặt lịch hẹn quay lại cùng con và để nhân viên trực tiếp giới thiệu tài khoản, giúp trẻ cảm thấy mình là một phần quan trọng trong quá trình này. Ngoài ra, tài khoản nên đứng tên trẻ và các thư báo giao dịch cũng gửi đích danh cho trẻ, tạo cảm giác tự hào, trưởng thành.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH MỘT CÁCH KHOA HỌC VÀ CÓ HỆ THỐNG
Ngay sau khi mở tài khoản, phụ huynh hãy cùng con chọn mua một chiếc bìa hồ sơ như món quà chúc mừng. Đây sẽ là nơi lưu trữ các sao kê ngân hàng – một bước khởi đầu cho thói quen quản lý tài chính khoa học. Khi nhận sao kê, cha mẹ dành thời gian cùng con xem qua đồng thời giải thích các mục như lãi suất và số dư, qua đó rèn luyện thêm kỹ năng tính toán. Vào ngày phát tiền tiêu vặt, bạn hãy cùng trẻ đến ngân hàng gửi tiền, giúp củng cố thói quen tiết kiệm trước khi chi tiêu.
ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA TÀI KHOẢN ĐỒNG SỞ HỮU VÀ TÀI KHOẢN GIÁM HỘ
Khi mở tài khoản ngân hàng cho con, cha mẹ cần lựa chọn giữa tài khoản đồng sở hữu (joint account) và tài khoản giám hộ (custodial account). Với tài khoản đồng sở hữu, cả cha mẹ cùng trẻ đều có quyền truy cập, quản lý tiền, tạo cơ hội cùng hợp tác, giáo dục trẻ về tài chính. Tuy nhiên, bạn cần cân bằng giữa hướng dẫn và giám sát, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của trẻ trong quản lý tài khoản. Ngược lại, tài khoản giám hộ cho phép cha mẹ toàn quyền kiểm soát cho đến khi trẻ đủ tuổi – thường từ 18 đến 25. Đây là hình thức phù hợp nếu muốn hướng dẫn trẻ dần dần trước khi trao quyền quản lý độc lập.
THẺ GHI NỢ ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG GIÁO DỤC TÀI CHÍNH CHO TRẺ
Việc cấp thẻ ghi nợ cho trẻ khi bắt đầu hành trình tài chính cá nhân cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tùy thuộc vào độ tuổi, nhu cầu sử dụng cũng như mức độ trách nhiệm của trẻ trong việc chi tiêu. So với tài khoản tiết kiệm đơn thuần, thẻ ghi nợ mang lại trải nghiệm thực tế hơn, giúp trẻ hiểu rõ giá trị của việc chi tiêu có kế hoạch. Đây là công cụ thuận tiện trong giao dịch, rèn luyện kỹ năng lập ngân sách và ra quyết định tài chính. Tuy nhiên, thẻ cũng đi kèm cám dỗ tiêu tiền dễ dàng hơn, đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ từ cha mẹ.
