Nghệ Thuật Lắng Nghe Chủ Động
Vietnam Parents World 15 tháng 05,2025Trong giao tiếp, xã hội thường đề cao khả năng bày tỏ quan điểm cũng như thể hiện bản thân. Dẫu vậy, lắng nghe lại đóng vai trò yếu tố ghi điểm. Khi lắng nghe một cách chủ động, bạn không chỉ tạo cảm giác an toàn cho người khác mà còn gầy dựng sự tin cậy cùng kết nối sâu sắc.
V
iệc lắng nghe đúng cách giúp xóa bỏ hiểu lầm trong công việc, tạo dựng niềm tin, khiến gia đình, bạn bè cảm thấy được trân trọng. Những hành động cơ bản như gật đầu, duy trì giao tiếp bằng mắt hay không ngắt lời tuy hữu ích nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng có thể trở nên máy móc và thiếu chân thành. Lắng nghe thực sự đòi hỏi sự tò mò chân thành, giống như một “thám tử” đang tìm hiểu người đối diện.Khi kết thúc cuộc trò chuyện, bạn hiểu hơn cảm xúc, hoàn cảnh của đối phương, còn họ cảm thấy được đồng hành và hỗ trợ. Thậm chí, nhờ có không gian chia sẻ ấy, đối phương có khả năng tự tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề. Việc rèn luyện kỹ năng lắng nghe chủ động không chỉ nâng cao hiệu quả giao tiếp mà còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài trong mọi lĩnh vực cuộc sống, từ học tập, công việc đến đời sống cá nhân.
RÀO CẢN ĐỐI VỚI VIỆC LẮNG NGHE CHỦ ĐỘNG LÀ GÌ?
Lắng nghe tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố khiến bạn dễ hiểu sai hoặc bỏ lỡ thông tin quan trọng. Việc nhận diện các rào cản phổ biến sẽ giúp mỗi người chủ động khắc phục để giao tiếp hiệu quả hơn. Những rào cản này thường đến từ hai nhóm chính: yếu tố nội tại và yếu tố ngoại cảnh. Về nội tại, đối thoại nội tâm là nguyên nhân thường gặp. Căng thẳng cũng làm giảm khả năng tập trung, từ áp lực tài chính đến lo lắng về sức khỏe. Đôi khi, chính sự thiếu hứng thú hoặc giả định sai lệch về đối phương cũng khiến bạn đánh mất sự chú ý cần thiết. Về ngoại cảnh, tiếng chuông điện thoại, tiếng ồn từ con trẻ, xe cộ hoặc việc bị phân tâm bởi mạng xã hội đều ảnh hưởng đến dòng chảy cuộc trò chuyện. Thậm chí, những yếu tố như phòng quá nóng hay chỗ ngồi không thoải mái cũng góp phần làm giảm khả năng lắng nghe. Điều quan trọng là nhận biết yếu tố nào có thể điều chỉnh và xử lý kịp thời.
LẮNG NGHE CHỦ ĐỘNG GIÚP CẢI THIỆN KHẢ NĂNG GIAO TIẾP
Một số người dường như bẩm sinh đã là những người biết lắng nghe. Họ không tỏ ra phán xét nhưng sau mỗi lần nói chuyện, bạn luôn cảm thấy nhẹ nhõm hơn – dù họ chẳng đưa ra lời khuyên nào. Thực tế, những người biết lắng nghe tốt vì họ biết cách gạt cái tôi sang một bên và hoàn toàn tập trung vào điều người khác muốn chia sẻ. Với sự luyện tập, bạn cũng có thể phát triển hoàn hảo kỹ năng, trở thành một người lắng nghe sâu sắc hơn.
“GIẢM THIỂU CÁC YẾU TỐ GÂY XAO NHÃNG BÊN NGOÀI
Dù bạn có quan tâm đến cuộc trò chuyện đến đâu, các yếu tố bên ngoài vẫn có thể gây xao nhãng. Do đó, ta chú ý loại bỏ những yếu tố dễ gây nhiễu như tắt tivi, cất điện thoại. Thêm vào đó, tránh bị gián đoạn, cả từ chính bạn lẫn người xung quanh. Nếu đang ở nơi đông người, cả hai cần tìm không gian yên tĩnh hơn để có thể toàn tâm trò chuyện. Khi hoàn cảnh không cho phép, bạn nên đề nghị dời cuộc trò chuyện bằng lời lẽ khéo léo.
RÈN LUYỆN CHÁNH NIỆM ĐỂ TĂNG CƯỜNG SỰ TẬP TRUNG
Chánh niệm là khả năng hiện diện trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại mà không phán xét những gì đang diễn ra. Khi áp dụng chánh niệm vào giao tiếp, chúng ta sẽ gạt bỏ tiếng ồn bên ngoài lẫn trong tâm trí để hoàn toàn tập trung vào người đối diện. Theo đó, bạn hãy luyện tập bằng cách tập trung vào một âm thanh cụ thể trong vài giây, như tiếng máy điều hòa hay tiếng chim hót. Ngoài ra, các kỹ thuật thư giãn cơ thể hoặc quét cơ thể (body scan) giúp mỗi người nhận biết các tín hiệu cơ thể cũng như điều chỉnh sự chú tâm khi bị phân tâm bởi cảm giác khó chịu.
QUẢN LÝ CĂNG THẲNG NHẰM NÂNG CAO SỰ TẬP TRUNG
Căng thẳng có thể khiến đầu óc rối loạn đồng thời gây khó tập trung lắng nghe người khác. Để trở thành một người lắng nghe tốt hơn, ta nên học cách làm dịu tâm trí. Các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc yoga không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn tăng khả năng hiện diện trong cuộc trò chuyện. Khi bị xao nhãng bởi các lo âu cá nhân, hãy thử ghi lại những suy nghĩ đó ra giấy để giải tỏa hoặc kiểm soát dòng suy nghĩ tiêu cực. Cuối cùng, mỗi người hãy chấp nhận rằng có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát. Khi nhận thức được giới hạn đó, bạn dễ dàng trở lại với hiện tại cũng như duy trì sự chú tâm cần thiết.
VẬN DỤNG KỸ NĂNG LẮNG NGHE PHẢN HỒI
Kỹ năng lắng nghe phản hồi (reflective listening) giúp tăng sự thấu hiểu đồng thời khuyến khích người đối diện chia sẻ nhiều hơn. Thế nên, bạn đừng ngần ngại thể hiện sự chú tâm lắng nghe qua ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, tư thế nghiêng về phía người nói, và những phản hồi ngắn. Khi cần làm rõ, ta hãy diễn giải lại: “Có phải bạn cảm thấy mình không được bạn bè trân trọng?”. Dù nắm chắc nội dung, bạn vẫn nên tóm tắt để đảm bảo hiểu đúng, đặc biệt khi nhận phản hồi hay hướng dẫn. Tránh lặp lại nguyên văn, vì điều này có thể khiến người đối diện cảm thấy khó chịu hoặc bị xem nhẹ.
SẺ CHIA NHƯNG ĐỪNG CHUYỂN HƯỚNG CUỘC TRÒ CHUYỆN!
Khi ai đó chia sẻ trải nghiệm, bạn hẳn muốn phản hồi bằng một câu chuyện tương tự để tạo sự kết nối. Tuy nhiên, điều này vô tình chuyển hướng cuộc trò chuyện cũng như làm lu mờ người đối diện. Thay vào đó, bạn hãy tạm gác câu chuyện của mình lại đồng thời thể hiện sự quan tâm bằng những câu hỏi gợi mở. Ngoài ra, người nghe cần tránh đưa ra lời khuyên khi chưa được yêu cầu, vì đôi khi, chỉ cần lắng nghe chân thành đã là đủ để người kia cảm thấy được thấu hiểu.
THỰC HÀNH ĐỌC, HIỂU NGÔN NGỮ HÌNH THỂ
Một phần quan trọng của việc lắng nghe chủ động là đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể – yếu tố có thể truyền tải hơn một nửa thông điệp cảm xúc của người nói. Người nghe cần chú ý đến ánh mắt, biểu cảm khuôn mặt và tư thế, nhưng đừng vội đánh giá chỉ qua một cử chỉ đơn lẻ. Bên cạnh đó, bạn bình tâm lắng nghe giọng điệu – nơi bộc lộ nhiều cảm xúc tiềm ẩn.
NÂNG CAO KHẢ NĂNG ĐỒNG CẢM VÀ TRÍ TUỆ CẢM XÚC
Trong lắng nghe chủ động, sự đồng cảm giúp nắm bắt cảm xúc ẩn sau lời nói, từ đó phản hồi tinh tế hơn và tránh những câu hỏi hay cử chỉ thiếu tế nhị. Đồng thời, bạn cũng nhận ra khi đối phương đang căng thẳng, mất tập trung hoặc không còn hứng thú, để điều chỉnh câu chuyện phù hợp hơn. Khi đó, EQ giúp người nghe kiểm soát cảm xúc cá nhân khi trò chuyện, tránh bị phân tâm bởi áp lực bên ngoài, đánh giá mức độ thoải mái của bản thân để quyết định tiếp tục hay kết thúc cuộc đối thoại một cách khéo léo.