Bí Quyết Dung Hòa Giữa Gia Đình Và Công Việc
Vietnam Parents World 12 tháng 05,2025Cuộc sống hạnh phúc được gầy dựng trên nền tảng hai khía cạnh cốt lõi – gia đình và việc làm – đạt ở trạng thái “cân bằng”. Thế nhưng, làm thế nào để đưa ra đáp án phù hợp cho thuật toán tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng phức tạp này, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đương thời tồn tại muôn vàn áp lực?
D
ung hòa giữa gia đình và công việc là điều tối quan trọng. Mấu chốt nằm ở khả năng kết hợp song song giữa công việc cùng cuộc sống gia đình, mà không phải hi sinh một trong hai. Theo nhiều cách, mỗi người có cách quản lí thời gian kiểm soát để cân bằng tốt hơn giữa nhu cầu công việc cùng gia đình. Tuy nhiên, điều này có liên quan mật thiết đến sự hỗ trợ của người thân cùng tổ chức doanh nghiệp/người sử dụng lao động.TẦM QUAN TRỌNG CỦA “DUNG HÒA GIỮA GIA ĐÌNH VÀ CÔNG VIỆC”
Khi một người cảm thấy không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, mức độ căng thẳng của họ tăng lên đáng kể. Căng thẳng này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý về cả thể chất lẫn tinh thần. Viện Nghiên cứu Căng thẳng Hoa Kỳ báo cáo rằng 80% người lao động cảm thấy căng thẳng do công việc, và khoảng 1/5 trong số đó cuối cùng sẽ nghỉ việc.

Trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia tin vào lý thuyết rằng áp lực là một phần cần thiết của hiệu suất. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính thực sự làm suy yếu hiệu suất đồng thời gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất. Áp lực không làm cho mọi người tốt hơn. Thực tế chỉ ra rằng nó thường khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Theo thời gian, những người không cân bằng được công việc/gia đình cho biết sức khỏe kém đi nhiều, sự hài lòng trong công việc giảm và triển vọng tương lai ít tích cực.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÂN BẰNG GIỮA GIA ĐÌNH VÀ CÔNG VIỆC?
Trong trạng thái căng thẳng, chúng ta khó tìm ra cách cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc. Bạn có thể cảm thấy rằng – vì bạn không thể thực sự rời xa gia đình – lựa chọn khả thi duy nhất là nghỉ việc. Mặc dù điều đó có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, bạn chắc chắn cảm thấy bực bội, thất vọng và thậm chí căng thẳng hơn.
Và, giống hầu hết thách thức khác, sự dung hòa giữa công việc và gia đình được giải quyết tốt nhất từ nhiều góc độ. Có rất nhiều điều mà người sử dụng lao động và người quản lý có thể làm để hỗ trợ người lao động xoa dịu căng thẳng. Đây là một đề xuất đôi bên cùng có lợi. Khi người quản lý đóng vai trò tích cực trong việc ngăn ngừa kiệt sức, nhân viên của họ sẽ làm việc năng suất và có nhiều khả năng gắn bó lâu dài.

Ở góc độ tham khảo, những gợi ý mà bài viết đề cập ngay dưới đây hẳn hữu ích trong việc giải quyết “thuật toán cân bằng” công việc và gia đình:
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
Diễn đạt vấn đề bằng lời lẽ
Hầu hết chúng ta đều nhận biết được khi nào mình cảm thấy căng thẳng, nhưng không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân. Khi đó, bạn hãy viết ra trên giấy câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như: khi đi làm, tôi lo lắng về…; khi ở bên gia đình, tôi nghĩ về…; nếu có nhiều thời gian và tiền bạc, tôi sẽ… Bài tập có thể gợi lên cảm giác tội lỗi, bế tắc, oán giận hoặc tuyệt vọng. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy tức giận, hãy thử hít thở sâu vài lần.
Khi biết rõ bản thân cảm thấy thế nào và nguồn gốc của những cảm xúc đó là gì, bạn có cơ sở bắt đầu giải quyết. Bạn có cảm thấy mình cần nhiều sự hỗ trợ hơn, nhiều thời gian rảnh hơn hoặc nhiều nguồn lực hơn không? Bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu, hãy viết ra – ngay cả khi đó không là giải pháp khả thi.
Trò chuyện cởi mở với người thân trong gia đình
Sau khi ghi nhật ký suy nghĩ và cảm xúc, bạn hãy lên kế hoạch dành thời gian để nói chuyện với gia đình về việc bản thân đang cảm thấy thế nào và điều gì sẽ hữu ích cho mình. Tuy nhiên, đừng quá vội đưa ra giải pháp! Những cuộc trò chuyện thẳng thắn này có thể giúp bạn thiết lập lại các ưu tiên và giá trị gia đình. Nói về thói quen hàng ngày của bạn với những người thân và xem xét lại liệu bạn có thể xác định được các cơ hội cho kiểu kết nối tạo nên sự khác biệt hay không. Cho phép bản thân buông bỏ một số thứ, như áp lực phải nấu bữa ăn mỗi tối. Xây dựng thời gian dành cho gia đình vào lịch trình và biến nó thành thành điều quan trọng để biết rằng mọi người mong đợi những gì ở bạn.

Yêu cầu sự giúp đỡ
Sự thay đổi không xảy ra trong một sớm một chiều. Việc cân bằng lại công việc và cuộc sống gia đình đôi lúc khiến bạn phải đặt ra ranh giới theo những cách mới. Phần này của kế hoạch có thể cần phải hiệu chỉnh lại và thêm một vài cuộc trò chuyện nữa. Hãy xem xét thực tế lịch trình làm việc cá nhân! Bạn có cần phải làm việc nhiều giờ không? Có điều gì khác mà bạn có thể thay đổi để có một lịch trình dễ dự đoán hơn không? Nếu cần linh hoạt hơn trong công việc, hãy liên hệ với cấp quản lý của bạn. Hãy nhớ rằng mọi người đều chiến thắng khi biết chăm sóc bản thân và sức khỏe tinh thần của mình. Quản lý có thể giúp bạn điều chỉnh lịch trình, thảo luận về các cam kết và tìm hiểu thêm về bất kỳ nguồn lực nào có thể hỗ trợ cho bạn.
ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP/NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
Hơn một phần ba số nhân viên toàn thời gian cho biết việc cân bằng giữa công việc cùng cuộc sống gia đình đã trở nên khó khăn hơn nhiều trong vài năm trở lại đây. Một cuộc khảo sát những nhân viên toàn thời gian cho thấy những lý do phổ biến nhất là khối lượng công việc tăng lên, chi phí tăng (mà lương không tăng hoặc tăng ít ỏi) và làm việc nhiều hơn sau khi sinh, chăm sóc con nhỏ.

Nơi làm việc đã thay đổi (và vẫn đang thay đổi) trong vài năm trở lại đây. Cả người sử dụng lao động và người lao động vẫn đang cố gắng tìm ra giải pháp hiệu quả khi ranh giới giữa công việc/gia đình ngày càng mờ nhạt. Sau đây là một số cách thiết thực mà người sử dụng lao động có thể hỗ trợ lao động đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc/gia đình:
Thấu hiểu các chính sách
Trong vai trò người quản lý nhân sự, bạn đang ở vị trí lý tưởng để thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và các thành viên trong tổ chức. Hãy tìm hiểu về bất kỳ phúc lợi nào dành cho nhân viên mà công ty có thể cung cấp được thiết kế để chống lại căng thẳng! Những phúc lợi này có thể bao gồm quyền tiếp cận liệu pháp, huấn luyện sức khỏe tinh thần, các kế hoạch hỗ trợ nhân viên (EAP) hoặc thời gian nghỉ có lương. Nhân viên không thể làm việc do các vấn đề sức khỏe (bao gồm sức khỏe tinh thần). Thế nên, người sử dụng lao động đừng quên khuyến khích họ dành thời gian cần thiết cho bản thân cùng gia đình.
Học cách lãnh đạo các nhóm đa dạng và làm việc từ xa
Có nhiều phiên bản về sự cân bằng giữa công việc và gia đình tùy theo số lượng người trong công ty. Mỗi lao động sẽ có nhu cầu cùng sự cân bằng khác nhau giữa thời gian dành cho công việc và thời gian dành cho gia đình để có thể làm việc tốt nhất. Thay vì rơi vào cái bẫy suy nghĩ một khuôn mẫu phù hợp với tất cả, người sử dụng lao động hãy chịu khó tìm hiểu nhóm theo từng cá nhân. Khi nào họ làm việc tốt nhất? Điều gì khiến họ cảm thấy được hỗ trợ? Họ cần gì để đạt được trạng thái cân bằng?

Hình mẫu cân bằng giữa công việc/gia đình
Trong khi không ngừng nỗ lực tìm cách hỗ trợ sức khỏe tinh thần nhân viên, bạn hãy chắc chắn rằng bản thân có thể làm được những gì mình nói! Bởi lẽ, khi đó, bạn trở thành tấm gương mẫu mực để các thành viên trong doanh nghiệp sắp xếp thời gian hợp lí cho công việc và thời gian dành chăm sóc bản thân cùng gia đình họ!